Bảo vệ cho được thành quả chống dịch

Cập nhật, 05:52, Thứ Tư, 22/09/2021 (GMT+7)

(VLO) Có thể nói đây là giai đoạn nước rút để đẩy mạnh các giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19, có nơi như tỉnh Bình Dương được đánh giá là đã đạt đỉnh dịch.

Điều đáng mừng là nhờ sự chung tay, đồng lòng vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nên tình hình lây lan dịch bệnh được ngăn chặn có hiệu quả rõ nét hơn.

TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận đã ghi nhận sự chững lại của dịch bệnh, khi số ca mắc trong ngày, số ca tử vong có chiều hướng giảm dần. Trung ương và từng địa phương đang tính toán tới phương án nới lỏng giãn cách để tiếp tục thực hiện có hiệu quả 2 mục tiêu kép.

Trong khi đó, một số ít tỉnh do đã không làm tốt nhiệm vụ phòng chống dịch, để tình hình dịch bệnh lây lan diễn biến phức tạp và Thủ tướng đã phê bình, nhắc nhở qua hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch.

Một số địa phương bước đầu đã làm tốt công tác phòng chống dịch nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra và đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để sớm phát hiện, khoanh vùng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng (như Cao Bằng, Đà Nẵng…), rất nhiều địa phương đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để tiến tới bao phủ toàn bộ vắc xin trong cộng đồng, đó là điều đang được Trung ương và các ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt.

Trong khi đó trên tuyến đầu chống dịch, đội ngũ các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm sát cánh cùng lực lượng vũ trang và nhiều lực lượng khác trong hệ thống chính trị cả nước tập trung thực hiện rốt ráo các nhiệm vụ phòng chống dịch, không một chút lơ là mất cảnh giác.

Tuy nhiên, tâm lý chủ quan đã bắt đầu nhen nhóm xuất hiện trong một vài địa phương, đơn vị tham gia chống dịch, nhất là người dân. Đây là điều hết sức đáng lo ngại, bởi thành quả chống dịch mới có kết quả bước đầu chưa thể nói là vững chắc.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số nước quanh ta do chủ quan, sớm thỏa mãn với kết quả đạt được, nên để tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, gây tử vong nhiều hơn do biến thể Delta gây ra.

Một vài tỉnh đã tính đến phương án nới lỏng giãn cách một cách chặt chẽ, khoa học, trên cơ sở bảo vệ cho được thành quả chống dịch đã đạt được, bởi công sức, tiền của từ vận động nhiều nguồn và ngân sách nhà nước bỏ ra để phòng chống dịch là một con số khổng lồ không dễ gì bù đắp ngay được.

Vậy nên không thể suy nghĩ đơn giản, vội vàng trong xử lý các biện pháp chống dịch, mà vô tình đem thành quả chống dịch “đổ sông, đổ biển” sẽ có tội với nhân dân, có tội với những người đã quên mình chống dịch trong ngót 2 năm qua!

Chuyện quy định các màu (đỏ- cam- vàng - xanh) cho từng vùng theo cấp độ lây nhiễm của dịch COVID-19 là điều rất dễ hiểu, cần phải ủng hộ và chấp hành nghiêm các quy định áp với từng vùng, không ngoài mục đích nhanh chóng mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng vàng, tiến tới xóa bỏ vùng đỏ.

Thế nhưng cũng có khá nhiều người “nóng ruột” muốn phủ “xanh” cho nhanh để cuộc sống được trở lại trạng thái bình thường mới, thậm chí có người còn chê thành phố này, tỉnh nọ cứ kéo dài sự gia hạn giãn cách hết đợt này đến đợt khác, không biết khi nào mới thật sự hết “giãn cách”.

Diễn biến tâm lý tiêu cực này cũng dễ hiểu thôi, vì từ trước đến nay chưa bao giờ đất nước ta phải đối mặt với một loại dịch bệnh ảnh hưởng dai dẳng đến sức khỏe, tính mạng của con người như vậy, nên không thể “nhắm mắt” nới giãn cách vô tội vạ được.

Bởi người dân là chủ thể có tính quyết định của việc phòng chống dịch bệnh hiện nay, như tư tưởng chỉ đạo nhất quán của Trung ương là phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người dân là trên hết, trước hết.

Do vậy, bảo vệ thành quả chống dịch là trách nhiệm chính trị không của riêng ai, đó là quyết tâm sắt đá của cả hệ thống chính trị và toàn dân ta trong tình hình hiện nay!

MAI MỘNG TƯỞNG