Không có công thì không hưởng lộc

Cập nhật, 15:35, Thứ Tư, 24/02/2021 (GMT+7)

Người xưa đều tuân thủ nguyên tắc sống làm người với phương châm “vô công bất thụ lộc” nghĩa là không có công thì không nhận bổng lộc.

Đối với người hiện đại ngày nay mà nói, có những người không học hành thi cử mà vẫn có bằng cấp này, bằng cấp nọ mong được thăng quan tiến chức hay nhận quà cáp biếu xén mà không cần biết là lý do vì sao. Thế mới biết tiêu chuẩn của người xưa là chuẩn mực, chân chính của đạo làm người.

Thời xưa, có rất nhiều ông quan có thể dễ dàng trở thành những người giàu có, địa vị cao sang nhưng họ chấp nhận sống nghèo khó, thanh sạch chỉ bởi vì không muốn từ bỏ nguyên tắc làm người này. Trong lương tâm họ, luôn luôn có một nguyên tắc sống “Không sợ người biết, chỉ sợ mình biết”.

Chuyện kể rằng ngày xưa có một ông làm quan trong mấy thập kỷ đều giữ được đức tính thanh liêm. Khi ông cáo lão về quê sinh sống, có một vị quan lại trước đây được ông cân nhắc đã mang vàng bạc đến tặng ông, vì sợ mọi người biết nên ông đã đến vào ban đêm.

Ông quan thanh liêm cương quyết không nhận, người mang quà đến biếu liền nói: “Đêm khuya thanh vắng tôi mang chút lễ mọn này đến biếu ông, chỉ có tôi và ông biết, ngoài ra không có ai biết cả, mong ông nhận lấy cho”. Ông quan thanh liêm liền nói: “Sao ông lại nói vậy? Ngoài tôi và ông ra còn người thứ ba đó là lương tâm của chúng ta. Xin mời ông mang về dùm”. Viên quan nọ đành lủi thủi mang lễ vật về.

Thế mới biết trong lịch sử đất nước ta có rất nhiều câu chuyện kể về việc “vô công bất thụ lộc” của các bậc quan lại, tướng lĩnh ngày xưa. Họ đều dùng nhiều cách khác nhau để khéo léo khước từ những lễ vật đó. Họ vừa bảo vệ được nhân cách cao quý lại vừa làm hài lòng những người ban tặng. Sở dĩ họ có thể làm được điều này là nhờ có tầm nhìn xa trông rộng, thấu hiểu đạo lý làm người cũng như lẽ “được, mất” trong cuộc đời.

HOÀNG BÍCH HÀ