Dạy trẻ quản lý tiền lì xì tết

Cập nhật, 06:03, Thứ Năm, 04/02/2021 (GMT+7)

(VLO) Vào những ngày tết, hầu như đứa trẻ nào cũng nhận được tiền lì xì. Trong đó, có những trẻ nhận được số tiền lì xì lên đến hàng triệu đồng. Một khi trẻ có được một khoản tiền lì xì tết thì phụ huynh nên xử lý như thế nào với số tiền đó? Đây là vấn đề khiến cho không ít phụ huynh phải suy nghĩ.

Qua khảo sát từ thực tế cho thấy có 2 luồng ý kiến khác nhau. Một là, phụ huynh gom hết tiền lì xì của trẻ với lý do “giữ dùm”. Hai là, phụ huynh cứ mặc cho trẻ muốn tiêu xài theo ý thích không cần phải quan tâm. Bởi, theo một số người quan niệm rằng số tiền đó là của trẻ. Cho nên trẻ có quyền quyết định, muốn mua gì hoặc tiêu xài như thế nào cứ thoải mái, tùy theo ý thích của các em, cha mẹ không cần quan tâm đến.

Xét cho cùng thì 2 luồng ý kiến trên đều không ổn cho lắm! Nếu cha mẹ chọn cách gom hết tiền lì xì của trẻ thì tất nhiên theo tâm lý của trẻ sẽ giấu giếm hoặc kích thích trẻ nói dối về số tiền nhận được để tự ý tiêu xài. Còn ngược lại, nếu cho trẻ tự do sử dụng và tiêu xài tiền lì xì tết thì vô tình tạo điều kiện để trẻ có cơ hội tiêu xài lãng phí.

Các em gặp cái gì cũng muốn mua, muốn tiêu xài. Dần dần hình thành nên thói quen không tốt, rất tai hại. Bởi, ở lứa tuổi của trẻ chưa đủ khả năng kiểm soát được việc tiêu tiền, nên dẫn đến việc các em tiêu xài hoang phí là điều không tránh khỏi.

Vậy phụ huynh nên làm thế nào về khoản tiền lì xì tết của trẻ? Sau đây là cách dạy cho trẻ quản lý tiền lì xì tết của một người bạn trong những năm qua, mà tôi nhận thấy rất có khả thi. Tôi xin giới thiệu để mọi người cùng tham khảo.

Trước tiên, anh dạy cho con hiểu ý nghĩa của tiền lì xì tết. Đó chủ yếu là về mặt tinh thần. Quan trọng nhất của việc lì xì là chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất với hy vọng là mang may mắn sẽ đến với mọi người trong năm mới. Chứ không phải nhận lì xì để kiếm thêm “thu nhập” vào ngày tết.

Kế tiếp, anh lập kế hoạch chi tiêu tiền lì xì cho con. Để làm được điều này, anh cần phải biết được số tiền lì xì mà con nhận được là bao nhiêu. Sau đó lên kế hoạch chi tiêu cho trẻ.

Trong kế hoạch, anh chia ra thành nhiều khoản: sinh hoạt cá nhân, sử dụng trong học tập, để dành tiết kiệm,… Song song đó hướng dẫn cho con cách chi tiêu từng khoản như thế nào cho hợp lý (dĩ nhiên là có sự giám sát của người lớn trong gia đình).

Theo anh, cha mẹ cần tư vấn cho trẻ chỉ nên mua những thứ thật sự cần thiết, không nên hoang phí. Chẳng hạn như hỏi trẻ “Với số tiền này, con dự định sẽ mua những gì, tại sao con chọn mua nó?” Nếu trẻ trả lời được và nhận thấy cách chi tiêu nào của trẻ thật sự chính đáng, hợp lý và cần thiết như: mua sách vở, dụng cụ phục vụ học tập, giúp bạn nghèo có hoàn cảnh khó khăn… thì phụ huynh chấp nhận cho trẻ chi tiêu.

Bên cạnh đó, anh dạy cho con tính tiết kiệm thông qua số tiền nhận được từ lì xì tết. Anh mua một con heo đất để cho con bỏ ống. Đến khi nào cần mua thứ gì thì có sẵn tiền để mua, không cần phải xin người thân. Đây là cách rèn luyện cho trẻ tính kiên nhẫn, tự lập và giúp trẻ hiểu được giá trị đích thực của đồng tiền.

Tết Tân Sửu đang đến gần. Do đó, dạy trẻ quản lý tiền lì xì tết là việc làm rất cần thiết đối với các bậc phụ huynh. Nhằm định hướng cho các em có được ý thức sử dụng tiền lì xì sao cho hợp lý, tránh lãng phí, góp phần hình thành thói quen tốt trong cách chi tiêu tiền ở trẻ.

NGUYỄN VĂN DÔ