Cần phạt nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi!

Cập nhật, 14:04, Thứ Năm, 14/01/2021 (GMT+7)

Sẽ không khó để bắt gặp những hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng hoặc những bãi rác tự phát nằm ngổn ngang trên lề đường bốc mùi kinh khủng.

Những con sông, dòng kinh ngập ngụa rác, đen ngòm, gián tiếp gây nên tình trạng nghẽn cống, khiến nước tắc dòng chảy. Người dân sau khi sử dụng thực phẩm, cứ tiện tay quăng rác xuống kinh rạch, dù rằng nơi công cộng đều có thùng rác phân loại. Có người hà tiện đến mức không đóng tiền rác mà hay lén lút mang rác ra đường đổ, đổ ké nhà hàng xóm. Với thói quen xấu đó đã khiến cho môi trường sống của chúng ta ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường, hàng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại trong khi việc xử lý chất thải, nước thải còn rất hạn chế.

Đáng chú ý, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề. Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải y tế.

Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt tới 7 triệu đồng; người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường khi tham gia giao thông bị phạt tới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người dân vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Việc xử phạt còn lơ là, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn tiếp diễn.

Vì vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương là cần phải thường xuyên kiểm tra, đồng thời phạt thật nghiêm đối với hành vi vứt rác bừa bãi. Chỉ có như thế mới chế tài được các cá nhân, tập thể xem thường luật pháp, bàng quan trước sự ô nhiễm nghiêm trọng của Trái đất.

Ngoài việc phạt tiền, cơ quan chức năng cũng nên ra sức tuyên truyền để mọi người có ý thức tự giác bảo vệ môi trường. Về lâu dài, một khi các phương tiện tuyên truyền giúp người dân ý thức được, thì môi trường sống sẽ trong sạch hơn. Việc bảo vệ môi trường không thể chần chừ và lơ là mà phải hành động cấp bách trước khi quá muộn.

ĐẶNG TRUNG THÀNH