Tiếc chi lời cảm ơn

Cập nhật, 21:41, Thứ Sáu, 31/07/2020 (GMT+7)

Từ khi còn là đứa trẻ bi bô tập nói, ai cũng được người lớn dạy nói lời “cảm ơn” khi nhận được quà. Rồi đến trường thì được thầy cô dạy nói lời “cảm ơn” khi được sự giúp đỡ. Dù vậy, trong cuộc sống hiện đại có không ít bạn trẻ đang dần thiếu đi những lời “cảm ơn” ấy.

Đã có không ít trường hợp bạn trẻ đánh rơi đồ trên đường được người khác nhặt dùm lại quên “cảm ơn”, khi đi siêu thị chú bảo vệ dắt xe dùm cũng không lên tiếng “cảm ơn” hay khi nhờ người khác chỉ đường đi nhưng lại quên mất lời “cảm ơn”…

Không ít bạn trẻ bảo rằng: nói lời ấy thì… “sến súa” quá. Và cũng có không ít bạn nói: có phần hơi giả tạo nên cũng “ngài ngại”. Hay chuyện đó quá nhỏ nhặt nên không chú ý... Cũng bởi những lý do ấy mà các bạn không ý thức được rằng lời “cảm ơn” trong những tình huống ấy là rất cần thiết và hợp lý. Và chính điều đó đã vô tình khiến các bạn dần trở nên mất điểm trong mắt mọi người xung quanh.

Nói lời “cảm ơn” là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa người với người. Lời “cảm ơn” là một trong những cách để bạn thể hiện tấm lòng thành, tri ân của mình đến những người đã giúp đỡ mình; là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn. Bản thân người nhận được lời “cảm ơn” cũng sẽ cảm thấy vui hơn...

Để hình thành thói quen biết nói lời “cảm ơn” người khác, bạn trẻ phải bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất như nói lời “cảm ơn” mẹ về một bữa cơm, “cảm ơn” cha đã chở đến trường, cảm ơn đứa bạn luôn giúp đỡ bạn trong lúc khó khăn…

Nói lời “cảm ơn” là kỹ năng sống mà mỗi bạn trẻ nên “nằm lòng”. Hãy cùng nhau nói lời “cảm ơn” để mối quan hệ giữa người với người xích lại gần nhau hơn, bạn nhé!

PHƯƠNG VY