Cần bỏ ngay suy nghĩ "không sao"!

Cập nhật, 15:49, Thứ Ba, 14/04/2020 (GMT+7)

Khi cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh những ngày qua, hẳn mỗi người dân Việt Nam đã có lúc “mừng thầm”. Bởi, có những buổi, thậm chí là hết ngày nhưng nước ta không ghi nhận thêm trường hợp mới dương tính với SARS-CoV-2, người được chữa khỏi ngày càng tăng, không có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, mặc dù nhịp độ gia tăng số ca nhiễm mới hàng ngày đã có sự gia giảm nhưng hiện tại ở nước ta đã có ca nhiễm trong cộng đồng, có cả ca chưa xác định được nguồn lây nhiễm từ đâu. Điều này chứng tỏ, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Vì vậy, chúng ta không được lơ là, chủ quan- nhất là ở những tỉnh- thành chưa ghi nhận ca nhiễm dịch bệnh.

Mỗi khi đọc báo hay nghe đài về những sự vụ như: sẽ làm rõ vụ thanh niên cản trở tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19, những người này bị phạt vì không đeo khẩu trang khi ra đường, những người kia bị khống chế vì chống đối, chửi bới thô tục khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở về hành vi tụ tập đông người,… tôi cảm thấy rất buồn.

Tôi không hiểu vì sao anh này, chị nọ, chú kia lại có thể hành xử như thế! Trong khi Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đang căng sức ra làm tất cả những gì có thể để bảo vệ sức khỏe cho người dân, thì những người này- những người công dân thực thụ- lại chống đối, lại không thực hiện nghiêm những điều vốn dĩ mang lợi ích cho mình.

Tôi không phải là một nhà chính trị và cũng chẳng phải là “người lãnh đạo”, nhưng theo tôi, một nghị định, một chỉ thị trước khi ban hành thì chắc hẳn đã được tham mưa, điều nghiên rất kỹ. Thêm vào đó, giãn cách toàn xã hội không phải là chuyện đơn giản và cũng chưa có tiền lệ từ trước đến nay. Vậy thì tại sao Chính phủ ta lại quyết định ra chỉ thị này?

Từ người bán vé số dạo, anh công nhân, chị buôn bán nhỏ lẻ đến những doanh nghiệp, công ty lớn,… tất cả đều gặp không ít khó khăn. Kinh tế trì trệ, xã hội “rối ren” và còn nhiều hệ lụy khác…

Nhưng, giữa một bên là sức khỏe, tính mạng của người dân và bên kia là giữ vững nền kinh tế, Chính phủ ta đã chọn tất cả toàn lực bảo vệ sức khỏe người dân. Còn sức khỏe là còn tất cả! Câu nói này luôn đúng ở mọi thời đại. Thế nên, biết bao con người ròng rã mấy tháng trời chiến đấu nơi tuyến đầu chống dịch.

Biết bao những chuyên gia, giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng chấp nhận “cách ly gia đình” để nghiên cứu, chăm sóc, chữa trị cho những bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Họ cũng có vợ con. Họ cũng có gia đình.

Nhưng họ chấp nhận “lãng quên” hạnh phúc của cá nhân, thậm chí là có thể hy sinh tính mạng của mình để phục vụ nhân dân, chăm lo cho sức khỏe cộng đồng.

Vậy thì tại sao đâu đó vẫn có người không tuân thủ những quy định, những khuyến cáo của ngành chức năng? Tại sao đâu đó vẫn còn có suy nghĩ: “Đeo khẩu trang ngộp quá nên tôi không đeo”, “tỉnh mình có dịch bệnh đâu mà cần đeo khẩu trang” hay ở những công viên, bờ kè vẫn thấp thoáng những “nhóm nhỏ” ra hóng mát, những khu dân cư, khu nhà ở vẫn “lén lén” chiều chiều tụm năm, tụm ba nhậu nhẹt, chuyện trò. Nguy hiểm hơn có người còn cho rằng: “Có ai chết đâu mà lo. Nhiễm rồi cũng chữa khỏi đó thôi!”

Với suy nghĩ “không sao”, “ở miền ngoài chứ miền mình không có” là cực kỳ nguy hiểm và cần loại bỏ ngay. Sự lây lan và hậu quả của dịch bệnh ở những nước trên thế giới là điển hình.

Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, hy sinh thói quen và lợi ích cá nhân trong thời gian ngắn để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước đẩy lùi dịch bệnh. Đó không chỉ là trách nhiệm của công dân mà còn là thể hiện lòng yêu nước, tình nghĩa đồng bào trong giai đoạn khó khăn này.

Hãy cùng lắng nghe và cùng thực hiện. Trong cuộc chiến chống “giặc dịch” này nhất thiết phải có sự đồng lòng!

DIỄM KIỀU