Biết sai để sửa chữa sai lầm

Cập nhật, 13:55, Thứ Tư, 16/10/2019 (GMT+7)

Con người sống ở trên đời không ai không khỏi phạm phải những sai lầm, không là lớn cũng là bé. Nếu như muốn tránh những sai lầm bằng cách không làm gì cả thì đó lại là sai lầm lớn nhất trong đời người.

Thực tế trong đời sống xã hội ngày nay, việc dám làm, dám chịu trách nhiệm đã trở thành động lực của những người có chí tiến thủ vươn lên. Người xưa có câu: “Mỗi lần vấp là một lần bớt dại/ Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần”.

Quả đúng thật vậy! Vấp ngã rồi đứng dậy ta lại có thêm kinh nghiệm sống, dù có đau một chút nhưng rồi sẽ nguôi ngoai. Miễn là ta biết sai ở điểm nào để sửa, có như vậy ta mới gặt hái được thành công. Có không ít người họ biết làm việc đó là sai phạm nhưng không thẳng thắn nhận lỗi mà lại dùng lý lẽ để tự biện hộ cho bản thân.

Như vậy chính họ đã tự lừa dối bản thân mình và họ sẽ không bao giờ biết cách sửa đổi những lỗi lầm của mình để có một nhân cách hoàn hảo. Khi phạm phải sai lầm mà không hối hận, sửa đổi thì đó là người không bao giờ tiến bộ và họ cũng chẳng thể có được một thành công nào trong cuộc sống.

Còn đối với những người khi sai lầm họ biết hối hận và ăn năn sửa chữa thì sớm muộn gì họ cũng gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống và người như vậy mới là người tốt. Khi phạm sai lầm, ta dũng cảm nhận lỗi, sửa sai thì sớm muộn gì ta sẽ trở thành một người thành công trong công việc, trong cuộc sống.

Một người muốn trở thành người tốt thì nên biết làm những gì nên làm, nên nói những gì cần nói. Mọi việc chỉ yêu cầu sự hợp tình hợp lý là đủ rồi. Tuy nhiên, phạm sai lầm mà không chịu hối hận, thay đổi là một điều nguy hại đến bản thân.

HOÀNG BÍCH HÀ