Chữ tâm

Cập nhật, 05:16, Thứ Sáu, 20/09/2019 (GMT+7)

Tiếng Việt có một chữ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, trở thành một cách sống, đó là chữ “Tâm”.

Tâm là trái tim, là tấm lòng. Người xưa thường dạy: Phải lấy chữ tâm làm đầu trong đối nhân xử thế. Hiểu rộng ra, đó là cách sống: sống bình dị, luôn ân cần, tử tế với mọi người và sẵn lòng giúp đỡ người khác nếu như có khả năng; phải biết nhường nhịn và tôn trọng quyền lợi, tình cảm của người khác dù thân hay sơ.

Được biết, người xưa dùng một loại cỏ làm bấc, tức tim đèn. Suy ngẫm mà hiểu trong trái tim, trong tấm lòng mỗi con người đã tiềm ẩn một ngọn đèn.

Đã vậy thì phải biết tạo điều kiện cho ngọn đèn ấy sáng lên. Đó là trách nhiệm của gia đình, của nhà trường và của cả những thiết chế xã hội.

Xã hội nào quên lãng, xem nhẹ điều này sẽ là một xã hội suy đồi, và đó là mầm mống của sự băng hoại đạo đức.

Con người ta học hỏi không những để rèn tài mà còn rèn tâm. Tài rất cần cho sự phồn vinh của bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng tâm cần thiết cho sự bền vững của sự phồn vinh ấy. Đại thi hào Nguyễn Du đã từng khẳng định: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Chữ “tâm” còn là tấm lòng. Tấm lòng nên mở ra để đón nhận và cũng để cho đi. Ta mở lòng đón nhận ưu đãi của đời thì ta cũng gửi lại cho đời lòng ưu ái, và đôi khi ta cũng phải đón nhận ngược đãi của đời nhưng ta không trả lại cho đời sự tệ bạc.

Vì ta đã được rèn tâm. Nên xem đó là dịp thử thách. Bởi giá trị của con người không chỉ ở sự thành công, mà đôi khi còn quý hơn, là giá trị ở chỗ biết đứng lên từ những thất bại, là biết đón nhận những bất hạnh nhưng không để mình trầm luân trong đau buồn.

Chữ “tâm” còn mang ý nghĩa tốt đẹp nhất của sự mở lòng để sẻ chia, dâng tặng. Ta sẻ chia với người những gì ta may mắn được đời ưu đãi hơn người khác.

Ta còn sẻ chia tâm hồn ta với người bằng nỗi cảm thông và tình yêu thương. Như có dịp, đừng chần chừ để lỡ những hẹn hò.

Tất cả những hẹn hò của những con người thực sự yêu thương, tôn trọng nhau đều đáng quý, bởi nhờ đó ta không để lỡ bao chuyến đò đời. Hẹn hò để nắm chặt tay nhau, để thắp sáng nụ cười xua tan bóng đêm của đơn côi.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết nên một lời ca thấm đẫm tính nhân văn trong một ca khúc: “Sống trong đời cần có một tấm lòng...”, và trong nhạc phẩm Nối vòng tay lớn: “... dòng máu nối con tim đồng loại... Và nụ cười nở trên môi...”.

Vâng. Nụ cười biểu lộ niềm vui, niềm hạnh phúc. Và ta cũng biết sẻ chia:

Nụ cười xin xẻ làm đôi

Nửa trao người được, nửa bồi người thua

Thế gian họa phúc không mùa

Chữ tâm trang trải cho vừa lòng nhau.

TRẦN XUÂN THỤY