Xem gì để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ?

Cập nhật, 07:27, Thứ Tư, 14/08/2019 (GMT+7)

Đến hẹn lại lên, cứ hè về là VTV lại chiếu phim “Tây du ký”, mà giờ chỉ có những thế hệ 7X, 8X, các cụ già ngồi coi chứ con nít hổng thấy coi nữa. Mấy đứa nhỏ trong xóm vừa cầm điện thoại chơi game vừa nói với tôi: “Tây du ký, Kính vạn hoa, Người mẹ nhí… chuyện phim dài dòng, kỹ xảo ảo quá”.

Từ trung tuần tháng 7, phim Tây du ký (phiên bản năm 1986) tiếp tục được phát sóng trở lại trên truyền hình khiến tôi vui như một đứa trẻ được cho kẹo.

Bộ phim đã gắn bó với ký ức tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ khán giả. Dường như muốn thuộc lòng các tập phim, có thể kể ngay trường đoạn, tình tiết phim nhưng đối với những ai sinh ra từ thế kỷ trước, mỗi mùa hè nếu không chiếu Tây du ký thì cứ có cảm giác như thiếu vắng một món ăn tinh thần.

Cùng với Tây du ký, loạt phim Việt như: Kính vạn hoa, Đất phương Nam, Đội đặc nhiệm nhà C21… từng khiến thiếu nhi thời trước “mất ăn mất ngủ” mà giờ cũng lỗi thời, dần bị lãng quên.

Trong các cuộc họp giao ban báo chí và những câu chuyện phụ huynh hay “tám” với nhau đều trăn trở số lượng chương trình thiếu nhi chưa đủ đáp ứng nhu cầu khán giả và cũng chưa thực sự hấp dẫn.

Chương trình gây chú ý thường là những gameshow thi tài như: Giọng hát Việt nhí, Nhanh như chớp nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Biệt tài tí hon… Mà điều gây ngỡ ngàng là các em thiếu nhi có khi “chai mặt” trên sân khấu bởi có nhiều gương mặt quen thuộc tham gia hết cuộc thi này đến cuộc thi khác.

Có em ăn mặc như người lớn và hát… tình ca. Sau những chương trình như thế thì tâm trí các khán giả nhí đọng lại được gì?

Trong thời đại số, chiếc ti vi truyền thống không chỉ dùng để phát chương trình của đài truyền hình. Người dùng có thể chủ động hơn, dùng ti vi để truy cập Internet, lên Youtube, dùng các dịch vụ xem phim theo yêu cầu…

Tuy nhiên, khâu kiểm duyệt của các chương trình này còn khá lỏng lẻo, nếu người lớn không có đủ thời gian kiểm soát thì không thể đảm bảo các bé có đủ nhận thức để chọn chương trình phù hợp.

Lúc này vẫn phải trông cậy vào các chương trình truyền hình. Với lợi thế trải qua bước kiểm duyệt gắt gao, người làm chương trình chủ động kiểm soát thời lượng và nội dung cho con- cháu mình; cha mẹ, ông bà có thể xem cùng các bé, điều chỉnh khoảng cách mắt và ti vi.

Nếu các chương trình truyền hình phát vào khung giờ hợp lý, nội dung đảm bảo tính giải trí và giáo dục hấp dẫn, không khô khan, giáo điều thì phụ huynh vẫn ưu tiên cho các bé xem truyền hình.

Sự cẩn trọng trong khi xây dựng chương trình, làm phim cho trẻ thể hiện trách nhiệm của người làm truyền hình đối với sự an toàn về tinh thần lẫn thể chất của trẻ. Những chương trình truyền hình, những bộ phim mà trẻ xem đều là những nét vẽ lên tờ giấy trắng, phác họa kiến thức, kỹ năng, chất lượng sống và hình thành nhân cách của trẻ sau này.

PHƯƠNG THÚY