Mấy suy nghĩ về cán cân báo chính thống và các mạng xã hội hiện nay

Cập nhật, 09:23, Thứ Năm, 08/08/2019 (GMT+7)

Có thể nói chưa bao giờ cuộc cạnh tranh giữa báo chính thống và các mạng xã hội diễn ra rất sôi động, vừa bổ sung những mặt hạn chế cho nhau nhưng cũng có những vấn đề mang tính đối đầu trực tiếp lẫn gián tiếp như hiện nay.

Báo chính thống của ta (bao gồm báo nói, báo in, báo ảnh, báo điện tử) luôn giữ vững quan điểm của Đảng, Nhà nước, luôn định hướng dư luận đến chân- thiện- mỹ theo phương thức “lấy hoa thơm lấn át cỏ dại”; luôn nhân rộng, điển hình, phát huy cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống; tuyên chiến với cái xấu, cái ác để cuộc sống tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số ít báo chính thống chưa làm tròn nhiệm vụ truyền thông; còn chạy theo những thị hiếu xã hội không đáng có thông qua những tin tức, bài viết, hình ảnh mang đậm tính quảng bá một cách vô bổ. Một số báo, tạp chí có những tin, bài giật gân, câu khách, chạy theo lợi nhuận quảng cáo mà xa rời tôn chỉ hoạt động của mình.

Điều đáng nói và đáng buồn là đã có những con sâu đội lốt nhà báo đã bị truy tố về những hành vi tống tiền, tung tin sai sự thật, thậm chí có cả nhà báo quay lưng với báo chí chân chính để sa vào con đường phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lợi ích chính đáng của nhân dân. Cạnh đó, nhiều nhà báo đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản chất, đạo đức cách mạng của người làm báo, thiếu rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ nên chất lượng công tác không cao.

Một vấn nạn đang diễn ra là cùng một sự kiện, nhưng nhiều tờ báo lại đưa tin khác nhau về nhân thân, mức thiệt hại, nguyên nhân, động cơ dẫn đến sự việc khiến dư luận bị tung hỏa mù không phân biệt đúng sai. Xin đơn cử một số trường hợp điển hình như mức độ thiệt hại do lũ lụt, số người chết vì tai nạn giao thông, số ca nhiễm bệnh trên phạm vi toàn quốc, số tiền hối lộ, tham nhũng từ các vụ án trên một số báo không trùng khớp. Vấn đề đặt ra là anh lấy thông tin từ đâu? Có chính xác không? Cơ quan có thẩm quyền nào cung cấp?

Một tình trạng không nên có vẫn đang diễn ra là việc đánh “hội đồng” một nhân vật, một tập thể nào đó khi phát hiện sai phạm. Có những nhà báo không trực tiếp đến nơi, không tiếp xúc với những cơ quan cần thiết nhưng vẫn sẵn sàng đưa tin nóng về sự việc. Đó chính là “nghệ thuật” ngồi nhà chờ đợi thông tin, hình ảnh từ đồng nghiệp chuyển sang và sẵn sàng chấp bút. Vấn đề đặt ra là làm sao có được những thông tin chính xác nhất, trung thực nhất đi kèm với việc mổ xẻ vấn đề, phân tích nguyên nhân, đề ra cách giải quyết tối ưu. Đó là ưu điểm vượt trội của báo chính thống của ta.

Về góc độ phát triển mạng xã hội hiện nay, đại đa số lãnh đạo báo chí cả nước đều cho rằng: Không thể và không nên tách rời báo chính thống và mạng xã hội bởi lẽ: mạng xã hội thông tin rất nhanh, thiết bị truyền tải hiện đại, đa dạng. Nếu báo chính thống bỏ qua thông tin từ các mạng xã hội quả là sự lãng phí và tạo khoảng cách rất xa về thời gian, nói nôm na là sẽ đi sau mạng xã hội.

Tuy nhiên, mạng xã hội không thuộc sự kiểm soát của các cơ quan quyền lực nhà nước, từ đó các thông tin được phát tán rất muôn hình, vạn trạng, thật giả lẫn lộn, đúng sai khó cân phân. Thậm chí có những kênh thông tin đặc biệt nguy hiểm đến nền an ninh chính trị của quốc gia. Vì vậy, người làm báo cần có bản lĩnh, cần đủ sức tỉnh táo, đủ năng lực chuyên môn chắt lọc những gì có lợi nhất cho cái chung và cho cả tờ báo của mình để có những đối sách phù hợp nhất.

Nhiều nhà báo rất có lý khi đề xuất xây dựng mái nhà chung giữa báo chính thống và các mạng xã hội bởi vì: nhiều tờ báo bắt đầu sử dụng fanpage để chia sẻ đường link các bài viết từ báo điện tử, sử dụng các ứng dụng chia sẻ tin tức trên mạng xã hội, chọn mạng xã hội là phương tiện truyền tải thông tin đến bạn đọc rất hiệu quả. Nhiều cơ quan báo chí còn làm cả việc theo dõi thông tin trên mạng xã hội để nắm bắt thông tin (cả đúng lẫn sai), từ đó phân công phóng viên thực tế tìm hiểu để phản ánh sự việc chính xác, nhanh chóng, kịp thời.

Rất nhiều nhà báo đã nhìn nhận rằng: Báo chính thống đưa tin theo phương pháp chính thống, dư luận xã hội đưa tin lên các mạng xã hội theo suy nghĩ, cá tính, đánh giá, nhận thức cá nhân. Vì vậy yếu tố sống còn của báo chính thống vẫn là độ tin cậy, độ chính xác, sự trung thực đối với bạn đọc, bạn xem đài. Và cần lắm những người làm báo có tâm, có tầm, giỏi chuyên môn, giàu nghị lực, vững vàng trước rất nhiều cám dỗ cuộc sống để ngòi bút không bị bẻ cong.

Cần lắm một sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu, ủng hộ của cộng đồng trước những thách thức, khó khăn đang đặt ra cho những nhà báo, tờ báo chính thống đang vượt qua nhiều khó khăn để giữ vững tôn chỉ hoạt động, hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

SONG ANH