Vô cảm hay sợ vạ lây?

Cập nhật, 05:31, Thứ Ba, 16/07/2019 (GMT+7)

Vô cảm chính là sự chai cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại... Gặp người khó khăn, tai nạn không giúp đỡ!

Vụ tai nạn ngày 25/6/2019 tại giao lộ Tân Hương- Võ Công Tồn (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) làm chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên tử vong.

Tai nạn ấy vốn đã đau thương, lại càng thêm tổn thương khi có đoạn clip ghi lại hình ảnh chị nằm bất động bên đường, người qua, kẻ lại nhìn rồi… bỏ đi! 5 ô tô, 1 xe tải và hàng chục xe máy đi qua nhưng không ai lại hỗ trợ các nạn nhân. Đó chỉ là một trong những vụ tai nạn giao thông, được ghi lại chứng minh cho sự vô cảm của con người!

Năm 2018, một cô gái ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) bị 2 người phụ nữ đánh tới tấp và cướp tài sản ngay trên phố, nhiều người chứng kiến nhưng không dám can ngăn, chỉ quay clip lại.

Tôi từng chứng kiến những vụ tai nạn giao thông và điều dễ nhận thấy là có một số người dường như thích vây quanh để xem, để quay phim, chụp ảnh và để thỏa mãn sự tò mò hơn là đứng đó để giúp đỡ.

Ở một góc độ người qua đường, có thể cảm thông cho sự thờ ơ bởi giúp người thường bị vạ lây. Bị hiểu lầm là người gây ra tai nạn, thậm chí bị gia đình nạn nhân đánh đập vì hiểu lầm. Và những phiền phức không tên khác có thể có.

Song, xin hãy bỏ qua những nỗi sợ- chưa chắc sẽ đến ấy và hãy giúp người tùy theo sức của mình! Bạn có thể không chở nỗi người bị thương đi đến bệnh viện, không đánh lại những người đang hành hạ một cô gái nhưng có thể gọi cho cấp cứu, công an. Không ít nạn nhân chết vì tai nạn giao thông, trong số đó, nhiều người chết vì không được cấp cứu kịp thời.

Trước khi quay phim, xin hãy dùng điện thoại gọi cơ quan chức năng đến giải quyết, đó cũng là một cách cứu nạn nhân. Tôi tin mọi người không phải vô cảm chỉ đôi lúc thờ ơ và thỉnh thoảng không biết ứng xử như thế nào khi gặp những trường hợp, hoàn cảnh như vậy!

VĨNH PHÚC