"Tân trang" cá khô

Cập nhật, 06:47, Thứ Tư, 10/07/2019 (GMT+7)

Một lần ngang qua chợ Phường 1, tôi phát hiện một người đang “tân trang” một số khô cá sặt rằng đã bị mốc bằng biện pháp rửa nước muối và phơi lại. Lần khác đi du lịch ở huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), tôi thấy bà con ở đây làm “khô một nắng” phơi ven đường không che đậy gì cả (cá làm sạch xong phơi chỉ trong một ngày nắng) để bán cho các du khách và người qua đường…

Điều dễ thấy qua các trường hợp nói trên là các con cá khô đó đều không phải là thực phẩm an toàn. Tôi đem việc này kể lại với các bạn thì họ cười xòa và cho đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có khi người ta còn làm cá khô với các cách còn kinh sợ hơn nữa kìa.

Người bình dân ở xứ ta thường dễ dãi với mặt hàng cá khô như thế, có lẽ có người nghĩ cá khô qua khâu chế biến là nướng hay chiên thì vi trùng nào sống nổi nói chi đến trứng ruồi nhặng, còn các hóa chất tẩm ướp và bụi bặm cũng tiêu tùng luôn (?!).

Cũng một lần đi du lịch đến Hà Tiên (Kiên Giang), tôi vào một cửa hàng bán cá khô và tôm khô. Cửa hàng này bán nhiều loại khô làm từ cá nước mặn và nước ngọt, tôm khô cũng vậy, có loại có bao bì được bày trên kệ, nhiều loại khác thì để xá trong các thùng để khách hàng tự do chọn lựa rồi mới đóng gói, kể cả làm động tác hút chân không và hàn kín bao…

Thời gian ở tại cửa hàng, tôi nhận ra loại cá khô nào cũng có người mua mà chẳng hiểu có ai phân vân gì đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không, chớ anh bạn Việt kiều về từ Úc đi cùng thì nói rằng anh rất nhớ món khô cá lóc nướng mình ăn hồi nhỏ ở quê nhà, nhưng bây giờ loại khô đó dù có bày bán ở đây và ở các chợ truyền thống rất bắt mắt mà sao anh vẫn cảm thấy ngài ngại. Tiếc là khi hỏi đến các loại cá khô đóng gói có nhãn mác có ghi hạn sử dụng thì cửa hàng không có.

Một lần khác xem truyền hình (tôi không nhớ đài truyền hình nào), tôi chú ý một phóng sự ngắn của nhóm phóng viên xâm nhập thực tế vào một làng nghề làm khô cá bổi ở Kiên Giang.

Phóng sự cho thấy công việc làm khô rất nhộn nhịp bằng cách phơi cá dưới ánh nắng tự nhiên của mặt trời trên các giàn, sau đó đóng gói thủ công chuẩn bị đưa đi tiêu thụ, nhưng tuyệt nhiên không nghe phóng viên đề cập đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm! Chẳng lẽ đã là cá khô, tôm khô truyền thống thì không cần chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm?

Ngày 18/6 vừa qua, đại diện chính quyền các tỉnh ở ĐBSCL và Bộ Nông nghiệp- PTNT đã có hội nghị đánh giá 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ trong cơ cấu lại nông nghiệp để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đó là chủ động dành các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế, tạo sự liên kết giữa các vùng, các ngành nghề để phát triển nông nghiệp một cách rõ ràng hơn ở 3 vùng: vùng đầu nguồn các sông, vùng giữa và vùng ven biển bằng các chuyển hướng chiến lược mạnh mẽ sang: thủy sản- trái cây- lúa gạo theo phương châm “thuận thiên”, tức các hoạt động đó đều dựa vào quy luật tự nhiên để phát triển bền vững và thích ứng từng vùng.

Với các nỗ lực trên cho thấy trong tương lai gần chỉ riêng nguồn thủy- hải sản từ các vùng nước mặn, nước lợ, nước ngọt được đánh bắt ở sông, biển và nuôi trồng tại 3 vùng sẽ rất dồi dào.

Đó sẽ là các nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chế biến trong nước làm ra các mặt hàng thủy- hải sản xuất khẩu và đáp ứng các tiêu dùng nội địa, trong đó có nhu cầu mặt hàng cá khô truyền thống như nói ở phần trên.

Trong xu thế đất nước đang phát triển và chất lượng đời sống đại bộ phận nhân dân ngày một cải thiện, chắc chắn yêu cầu ăn uống có chất lượng tốt và an toàn của họ ngày một khắt khe hơn và như thế kiểu chế biến và kinh doanh cá khô phổ biến như vừa phản ánh có còn thích hợp?

Hiện đang có một bài học nhãn tiền trong tháng 6/2019 này: hàng ngàn tấn mực xá khô đang tồn đọng ở cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành- Quảng Nam) khiến ngư dân điêu đứng, nhiều tàu câu mực phải nằm bờ vì không bán được hàng nên thiếu vốn, một số thương lái tại đây cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự vì đã “lỡ” nhập kho hàng chục tấn mực khô nay không xuất bán được.

Lý do rất đơn giản là lâu nay thương lái người Trung Quốc là khách hàng chủ yếu của họ, nay Chính phủ Trung Quốc đã thay đổi “luật chơi” không cho nhập mặt hàng này bằng đường tiểu ngạch mà phải nhập khẩu bằng đường chính ngạch với điều kiện sản phẩm phải có chất lượng và xuất xứ hàng hóa đúng quy định.

Hàng ngàn tấn mực khô của ngư dân không bán được do thiếu các điều kiện này đã được Bộ Nông nghiệp- PTNT báo trước, tuy nhiên người sản xuất và người thu mua không chủ động ứng phó! (theo báo Tuổi Trẻ ngày 28/6/2019).

Từ thực tế đời sống đại bộ phận nhân dân trong nước dần được cải thiện theo hướng nâng cao và yêu cầu kỹ thuật các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu ngày càng khắt khe, tôi thiển nghĩ chỉ riêng mặt hàng cá khô, tôm khô người đầu tư sản xuất nên thay đổi phương cách sản xuất và chế biến để sản phẩm đạt được các yêu cầu: vệ sinh và an toàn (có thể chế biến bằng phương pháp sấy khô, hong khói…);

chất lượng tốt (có thể có nhiều mức độ do kỹ thuật tẩm ướp khi chế biến); có xuất xứ, bao bì, hạn sử dụng rõ ràng và đặc biệt có giá chấp nhận được, nhất định sẽ là những nhà đầu tư có tương lai, bởi họ sẽ có đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.

NGUYỄN THỊ MỸ LỆ