Vài suy nghĩ về nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp

Cập nhật, 13:39, Thứ Sáu, 17/05/2019 (GMT+7)

Tôi là đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Long 4 nhiệm kỳ liên tục: Nhiệm kỳ VI, VII, VIII, tôi là đại biểu kiêm nhiệm và nhiệm kỳ IX là đại biểu chuyên trách.

Qua mỗi lần tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND tỉnh suốt 4 nhiệm kỳ qua, tôi cứ luôn suy nghĩ phải tìm cách đổi mới, nâng chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, để đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Tránh đại biểu HĐND làm việc đi theo lối mòn, không chịu khó cải tiến... dẫn đến cuộc tiếp xúc cử tri tẻ nhạt, nhàm chán làm cho cử tri ngán ngại tham gia.

Nay tôi xin mạo muội nói lên một vài suy nghĩ của cá nhân, nhằm góp phần nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri trong thời gian tới, làm thỏa mãn hơn nữa sự kỳ vọng của cử tri đối với đại biểu HĐND mà chính người dân đã bầu chọn.

Theo tôi, các cuộc tiếp xúc cử tri không chất lượng là do chưa quan tâm thực hiện tốt các vấn đề sau: Thành phần tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri, chương trình cuộc tiếp xúc cử tri, công tác tổng hợp các cuộc tiếp xúc cử tri, sự hiểu biết của đại biểu HĐND các cấp và sự đeo bám của đại biểu HĐND các cấp giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri của các ngành, các cấp.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện tốt các vấn đề sau:

- Địa phương cần nghiên cứu thời gian cho đại biểu tiếp xúc phù hợp, như né thời gian họp chợ, mùa vụ, ngày lễ cưới... và chọn địa điểm tiếp xúc phải rộng rãi, thoáng mát, thuận tiện cho cử tri tham dự.

Cuộc tiếp xúc cử tri phải được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, địa điểm hoặc được mời trực tiếp ít nhất trước 3 ngày diễn ra cuộc tiếp xúc. Cần chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ, cần thiết ra thư mời, giao số lượng cử tri dự cho từng ấp (khóm), tổ tự quản.

Tránh tình trạng cập rập không có cử tri đến dự hoặc cử tri ít không đạt số lượng rồi chỉ đạo mời đại cử tri (các ban ngành xã, ấp) dự.

- Đại biểu HĐND các cấp cần nắm tình hình bức xúc của cử tri về vấn đề gì trước khi cuộc tiếp xúc diễn ra, để quyết định mời những ngành có liên quan cùng dự để giải quyết các vấn đề bức xúc đó. Trong các cuộc tiếp xúc không thể thiếu lãnh đạo chính quyền cơ sở.

Vì các vấn đề cử tri kiến nghị đa phần có liên quan đến cơ sở. Song, sự am hiểu tổng hợp các lĩnh vực trong đời sống xã hội của địa phương, cả nước của từng đại biểu HĐND các cấp là rất quan trọng.

Vì khi tiếp xúc cử tri người dân đặt vấn đề chung mà đại biểu không giải thích được mà cứ ghi nhận là không ổn! Đây là vấn đề từng đại biểu phải phấn đấu rèn luyện lâu dài, liên tục thì mới có được kỹ năng này chứ không thể có được trong một ngày, một buổi.

- Khi tiếp xúc cử tri, cần quan tâm đưa nội dung trả lời các kiến nghị của cử tri ở lần tiếp xúc trước vào chương trình.

Vì thông thường mỗi đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện- thị- thành thì phân công 1 đại biểu tiếp xúc từ 1- 2 xã- phường (thị trấn). Lần tiếp xúc kế tiếp, đại biểu đó sẽ bố trí tiếp xúc từ 1- 2 xã khác.

Còn HĐND cấp xã- phường (thị trấn) phân công 1- 2 đại biểu tiếp xúc cử tri 1- 2 ấp (khóm), cứ thế mà xoay vòng cho đến khi tiếp xúc giáp các xã, ấp trên địa bàn.

Với cách bố trí như vậy, các kiến nghị của cử tri mà đại biểu ghi nhận ở lần tiếp xúc trước thì đại biểu lần tiếp xúc sau là người khác không biết cho nên không trả lời cho cử tri.

Qua các đợt tiếp xúc cử tri, vấn đề nào bức xúc mà đại biểu HĐND các cấp không giải quyết ngay được thì nên tổ chức tiếp dân (mời các ngành, các cấp có liên quan) để giải quyết vấn đề bức xúc đó.

Điều đặc biệt là đại biểu HĐND các cấp- nhất là đại biểu chuyên trách- phải kiên trì đeo bám giám sát việc giải quyết của các ngành, các cấp.

- Công tác tổng hợp các ý kiến của cử tri cần chính xác, khoa học, rõ ràng; cần phải được tổng hợp theo nhóm vấn đề, ý kiến đó thuộc cấp nào, ngành nào giải quyết! Sau đó chuyển các kiến nghị của cử tri đến UBND cùng cấp chỉ đạo ngành liên quan giải quyết.

- Vấn đề sau cùng rất quan trọng và không thể thiếu được là hậu giám sát việc giải quyết của các ngành, các cấp các kiến nghị của cử tri theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Để nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như các hoạt động của đại biểu HĐND các cấp trong thời gian tới, mỗi đại biểu HĐND cần nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chương trình hành động của mình đã trình bày khi ứng cử với cử tri.

Thiết nghĩ UBMTTQ các cấp cũng cần giám sát việc đại biểu HĐND các cấp thực hiện các hứa hẹn khi ứng cử. Đây không thể là lời hứa suông để lấy lòng, gom phiếu, khi đã trúng cử là đại biểu HĐND rồi quên lãng, làm việc thiếu trách nhiệm với nhân dân.

NGUYỄN THÀNH NGHIỆP