Cần năng tuần tra bắt "cát tặc"

Cập nhật, 16:54, Thứ Ba, 14/05/2019 (GMT+7)

Hiện nay, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất đó là “cát tặc”, bởi đó là nguyên nhân chính gây sạt lở đất. Không khó để xác định “cát tặc”, vì thời gian họ hoạt động thường vào ban đêm để trốn tránh sự tuần tra của cơ quan chức năng.

Kinh nghiệm sống của người xưa được đúc kết, truyền lại là “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Nhưng “cát tặc” thì “chỉ biết mình mà không biết người”. Họ hút trộm cát ở sông lớn vào ban đêm, rồi lưu thông vào các con sông nhỏ đến điểm bơm cát.

Khi nước lớn, xà lan chở đầy cát vào sông nhỏ không lưu thông được do bị vướng lườn cầu. Còn nước vừa lớn đã lưu thông cũng không được nên họ tìm mọi cách để xà lan tiến tới như hụ máy, hụ ga, đẩy bánh lái qua lại cho lở đất theo ý muốn, để sau này dễ lưu thông (thay vì lưu thông nước lớn hay bằng ghe nhỏ).

Như ngày 7/5, xà lan số hiệu AG 11301 dài khoảng 25m, chiều ngang muốn bít con sông vì nước cạn (bơm cát xong ra về). Khi đến gần cầu Tân Hữu mới, nước dưới sông còn cỡ nửa mét không lưu thông được đã hụ máy, hụ ga để cố tiến tới.

Bức xúc quá người dân nói: “chạy vậy lở banh hết rồi sao?” thì họ không trả lời mà còn hụ ga, hụ máy nhiều hơn. Thế nên sông từ cầu Tân Hữu cũ (QL I) vào nhánh sông cầu Tân Hữu mới (QL53)- nhất là gần cầu Tân Hữu mới, lòng sông lở sâu hẩm: hàng rào của một hộ dân ngã xuống sông, còn lở sâu vào gần 2m.

Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì nhà bếp của hộ này không lâu sẽ bị “bà Thủy” nuốt chửng và hàng trăm hộ dân sống dọc theo bờ sông này sẽ khốn khổ vì sạt lở đất. Người dân rất bức xúc vì xà lan quá tải thường xuất phát từ 21- 22 giờ và chở về đầy cát vào khoảng 3- 4 giờ sáng.

Mong được các ngành chức năng quan tâm, xem xét: có bảng cấm các phương tiện quá tải ở đầu các con sông nhỏ để tránh gây sạt lở đất.

THANH MAI