Nên hay không trách phạt học sinh?

Cập nhật, 06:08, Thứ Năm, 11/04/2019 (GMT+7)

Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học- kỹ thuật, đi đầu là mạng lưới thông tin, truyền thông nên mọi vấn đề xã hội được truyền đến nhau một cách nhanh chóng, thông qua những hình ảnh, đoạn clip hay những bài báo,…

Một trong những vấn đề được truyền thông phản ánh gần đây liên quan đến giáo dục là vấn đề đạo đức, cách cư xử, trách phạt học sinh vượt qua những giới hạn của người thầy.

Chúng ta không phủ nhận có trường hợp giáo viên hơi nặng tay trong trách phạt học sinh dẫn đến thưa kiện, kỷ luật…

Từ những sự việc đó vô tình ảnh hưởng đến hầu hết cách suy nghĩ của giáo viên. Có những giáo viên sợ va chạm với phụ huynh nên thấy các em sai, phạm lỗi mà không dám trách phạt với bất kỳ hình thức nào dù là nhẹ nhất.

Chúng ta cần nhìn nhận, ngày nay học sinh đa phần có điều kiện hơn học sinh ngày xưa, được tiếp cận sớm công nghệ thông tin, được chiều chuộng được chăm sóc đầy đủ về vật chất nên các em thường có tâm thế ỷ lại dẫn đến việc học lơ là, mất tập trung…

Ai đã và đang đứng trên bục giảng thì mới hiểu trách nhiệm của người thầy là rất lớn, vừa dạy chữ, vừa dạy người, quả thật không dễ chút nào.

Ông bà ta có câu:

“Thương cho roi cho vọt

Ghét cho ngọt cho bùi”.

Hãy một lần đặt trường hợp mình là giáo viên, trong tiết dạy mà trong lớp có một vài em thường xuyên nói chuyện, không tập trung, không chịu viết bài, làm bài… giáo viên nhiều lần nhắc nhở mà các em vẫn không sửa đổi, thì chúng ta sẽ như thế nào? Có nên phạt em đó để răn đe hay không?

Với lương tâm, trách nhiệm của người thầy thì người giáo viên không thể bỏ qua được, nếu bỏ qua, không quan tâm theo kiểu “mặc kệ” thì kết quả các em đó sẽ ra sao? Còn nếu dùng những hình thức phạt thì có thể hậu quả người giáo viên sẽ gánh chịu là gì từ phía phụ huynh, từ dư luận? Đó là vấn đề giáo viên băn khoăn.

Phạt học sinh đang là vấn đề rất nhạy cảm, nếu ngay cả những hình thức phạt ở mức độ thông thường (đứng vài phút, viết bài phạt, viết kiểm điểm…) mà phụ huynh vẫn phàn nàn, không chấp nhận thì những học sinh chưa ngoan, chưa vâng lời thầy cô… rồi sẽ như thế nào? Thiết nghĩ phạt các em là để răn đe chứ không vì mục đích ghét bỏ.

Nếu từ phía gia đình và xã hội quá đặt nặng vấn đề “giáo viên không được đánh, phạt học sinh dù ở mức độ nào” thì vô tình đã tạo áp lực cho giáo viên. Vậy thế hệ tương lai của chúng ta có hiểu và thực hành tốt bài học về tính kỷ luật hay không?

TRẦN THỊ HỒNG TUYẾN