Chuyện đi chợ ngày tết

Cập nhật, 05:16, Thứ Ba, 29/01/2019 (GMT+7)

Dường như đã trở thành quy luật, những ngày cuối năm, các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán lại “gặp thời” tăng giá.

Một lô hoa kiểng chưng tết ở chợ hoa xuân nêm yết giá cho từng loại hoa- một kiểu kinh doanh thuận cho người bán- dễ cho người mua.
Một lô hoa kiểng chưng tết ở chợ hoa xuân nêm yết giá cho từng loại hoa- một kiểu kinh doanh thuận cho người bán- dễ cho người mua.

Bước ra chợ, món nào, vật gì giá cũng nhỉnh hơn ngày thường. Đồng ý rằng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng thì giá bán ra phải tăng. Thậm chí, mới mua ký đường tuần trước, tuần này tăng năm, ba ngàn thì người tiêu dùng vẫn vui vẻ chấp nhận.

Vì, tết mà! (Dẫu biết rằng đường là mặt hàng các tiệm đã mua trữ từ trước chỉ là dựa vào tết để tăng giá thôi). Giá cả các mặt hàng ba ngày tết nếu tăng thì cũng nên có chừng mực, hợp lý và ở mức chấp nhận được.

Nhưng vấn đề ở đây là không phải ở ký đường, bịch bột ngọt, bó rau hay miếng thịt tăng ở mức “bình thường” mà có những mặt hàng tăng một cách “bất thường”, thậm chí là “vô thường”- nhất là những món “nho nhỏ” nhưng nhà nào cũng phải mua.

Chị Nguyễn Thu Hồng (ngụ xã Trường An) cho biết: “Hôm nay là 23 tháng Chạp, tôi tranh thủ ra chợ mua ít đồ về tiễn ông Táo. Tết nhứt, vật giá tăng cũng không có gì làm lạ. Nhưng điều đáng nói là cùng một món đồ như nhau nhưng chỗ này giá này, chỗ kia giá khác không biết đâu mà lường”.

Chị Trương Thị Thúy (nhà bên cạnh) vừa quét sân vừa tiếp lời chị Hồng: “Như tôi nè! Mới mua đồ tiễn ông Táo ở đầu chợ 10 ngàn đi đến giữa chợ y chang như vậy mà rao bán có 5 ngàn. Còn thịt, cá, rau cải thì cứ đi hết chợ xem chỗ nào giá cả hợp lý thì mua thôi!”

Lợi dụng những mặt hàng chỉ có mặt trong mấy ngày tết, một số tiểu thương tăng giá vô tội vạ. Trong vai người đi mua một số đồ dùng trang trí nhà dịp tết, tôi ghé một vài cửa hàng, tiệm bách hóa để tìm hiểu. Thật vậy, tiệm này giá này, tiệm kia giá kia.

Thậm chí, cùng một câu liễn “chúc mừng năm mới”, “vạn sự như ý”… hay cùng một miếng dán tường có hình chú heo đẩy xe tiền, vàng kèm theo câu chúc “xuân phát tài” giống hệt nhau nhưng chỗ thì bán 30 ngàn, chỗ 40 ngàn, thậm chí có chỗ đẩy lên đến 50 ngàn.

Tôi đem thắc mắc này hỏi chủ cửa hàng thì người cho rằng không giống nhau, người thì bảo chất lượng giấy tốt hơn, người lại ợm ờ bảo lấy giá cao nên phải bán cao.

Thiết nghĩ, những ngày năm hết, tết đến, vật giá tăng cũng là điều tất nhiên. Nhưng những kiểu buôn bán thấy hàng nào “hút” thì mạnh ai nấy “hét” giá thì chắc chắn sẽ không tồn tại lâu dài.

Đối với những cửa hàng, tiệm bách hóa cố định được người mua tin tưởng nên có thể bán được hết hàng nhưng người này thăm nom, hỏi han người kia chắc chắn sẽ truyền tai nhau không nên mua chỗ đó, người đó. Vì vậy, những cửa hàng kinh doanh “vụ lợi” khó tránh khỏi bị tẩy chay về sau.

Còn đối với người bán theo “thời vụ” chắc cũng chỉ “lừa” được một vài người vì đã là thực trạng thì người tiêu dùng nào cũng đề phòng và sẽ tìm đến những người buôn bán có giá cả hợp lý để mua. Đặc biệt, tiểu thương mua bán ở chợ truyền thống tuyệt đối không nên chọn kiểu mua bán này.

Vì, hiện nay chợ truyền thống đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các kênh bán hàng hiện đại. Bên cạnh đó, dịp tết, nhiều siêu thị, công ty, cửa hàng cam kết bán hàng bình ổn giá.

Đừng vì lợi ích trước mắt mà để thua về lâu dài. Bởi hiện tại, người tiêu dùng vẫn còn chuộng cách xách giỏ ra chợ cho nhanh, cho gần!

DIỄM KIỀU