Triều cường và những "vết thương"

Cập nhật, 16:21, Thứ Tư, 24/10/2018 (GMT+7)

Triều cường vừa đi qua, vết thương hiện ra chi chít trên đường. Có vết chỉ sượt qua da, có vết khoét sâu và lan rộng giữa đường như chiếc bẫy. Xe lớn, xe nhỏ chạy tránh vết thương nên con đường hóa hẹp.

Nhìn những vết thương, nhớ lại những ngày triều cường đầu tháng 9 âl nhấn chìm con lộ hơn nửa bánh xe mà… sợ. Bởi xe lớn xe nhỏ chen chúc, nối đuôi, lỡ một chiếc “phụp” vô bẫy- đổ ầm, dòng xe dâng dâng không ngớt từ phía sau làm thế nào tránh kịp?

Không biết là dấu cũ từng được giặm vá- triều cường dâng cứa đứt, hằn sâu hay vết mới? Đợt triều cường cũ đi qua, vết thương chưa được chữa lành thì đợt triều cường mới sắp ập về. Người đi đường nhìn những vết thương, ngán ngẩm.

Bởi sắp bắt đầu những ngày mò mẫm lội đường, phập phồng đâu đó vết thương hay phải đi vòng đường khác- rất xa…

Trách ai đây, trách vết thương- tại nó giăng bẫy trên đường gây nguy hiểm? Trách mùa nước nổi năm nay sao trái nết? Trách con đường tiền tỷ đổ vào hàng năm sao “yếu nhớt”? Hay, trách con người can thiệp quá sâu vào “đời sống” mùa nước nổi?

Vết thương của con đường, vết thương của những bờ bao, vết thương của những vườn cây, ruộng lúa, hoa màu… sau đợt triều cường đầu tháng 9 âl vừa qua hết sức nặng nề. Các địa phương đang thống kê, khắc phục. Rút kinh nghiệm từ các đợt triều cường vừa qua, ngay trước đợt triều cường mới, rất cần chủ động các phương án để giảm phòng tránh, giảm thiểu hiệt hại.

Riêng anh Tư (TX Bình Minh) đúc kết kinh nghiệm sau đợt vượt triều cường trên đường: Tốt nhất là chủ động “né nước” như tránh tham gia giao thông qua điểm ngập vào thời điểm triều cường trong ngày, chọn đi đường khác không ngập…

Còn nếu bất đắc dĩ phải “dấn thân” qua điểm ngập sâu, cần quan sát ảnh hưởng từ người và phương tiện xung quanh đến mình và ngược lại để điều chỉnh tốc độ, chọn “đường đi nước bước” mà “lèo lái” an toàn. Ngay từ bây giờ, nên quan sát những vết thương” trên các tuyến đường quen thuộc để tránh khi triều cường gây ngập.

SÔNG HẬU