Cả nhà cùng nhau tiết kiệm

Cập nhật, 14:52, Thứ Ba, 14/08/2018 (GMT+7)

Giá cả hàng hóa tăng vọt khiến cho bài toán chi tiêu trong gia đình hết sức khó khăn. Nhà nào cũng ra sức “thắt lưng buộc bụng” để phù hợp với kinh tế của gia đình. Nhưng 1- 2 người tiết kiệm thôi chưa đủ mà tất cả các thành viên trong gia đình đều chung tay “hà tiện” mới mang lại tính hiệu quả cao.

Người vợ là “đầu tàu” trong vấn đề nội trợ nên phải tính toán hết sức chi li cho việc đi chợ mỗi ngày. Cần lên kế hoạch cụ thể và điều chỉnh theo thời giá cho phù hợp. Các dụng cụ trong nhà nếu thấy cần thiết thì nên mua, không thì bỏ qua.

Đừng nên ham thích hàng khuyến mãi, giảm giá ở các siêu thị mà mua về cho nhiều để rồi đem cất vào tủ không sử dụng đến. Bản thân người vợ nên giảm bớt tối đa những sở thích cá nhân mỗi ngày như mua sắm, làm đẹp… mà nghĩ đến cái lợi ích chung của gia đình.

Tiền cho con đi học mỗi ngày cũng nên giảm bớt. Đừng thấy con nhõng nhẽo, mè nheo, giận lẫy không chịu đến trường (vì cho tiền quà ít) rồi cho tiền thêm là một điều sai lầm. Cần giải thích cho con hiểu sự quan trọng của tiết kiệm và việc ăn quà bánh trước cổng trường nhiều quá là không tốt.

Về phần người chồng, do làm việc ở cơ quan và có nhiều mối quan hệ giao tiếp trong xã hội nên việc chi tiêu “đột xuất” và hơi “quá tay” là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, đã đến lúc hạn chế chuyện bù khú với bạn bè vào cuối tuần hoặc vào ngày lãnh lương. Vì sa đà vào việc này quá sẽ vừa lãng phí tiền xăng (đi lại), tiền tiệc tùng (đôi khi lãng phí tiền boa cho nhân viên phục vụ rất nhiều), tiền chi cho sức khỏe (vì chè chén quá đà)…

Mặt khác, sẽ không lãng phí thời gian quá nhiều, không xảy ra những mâu thuẫn trong gia đình, rắc rối trong xã hội. Trừ khi bạn bè lâu ngày gặp lại, đi với sếp hoặc các mối quan hệ làm ăn với đối tác mà khó thể chối từ…

Tuyệt đối người chồng phải bài trừ các tệ nạn xã hội như cá độ, cờ bạc, số đề,… để không tạo ra gánh nặng cho gia đình.

Con cái cũng cần phải tiết kiệm. Người nhỏ tiết kiệm nhỏ. Tiền quà bánh, đồ chơi… mà trẻ mua dùng mỗi ngày chính là tiền công sức do ba mẹ làm ra.

Vì vậy, phải biết trân trọng chứ đừng tiêu xài thái quá. Nên mua một con heo đất để ngay trên bàn học, mỗi ngày bỏ một ít vào đó.

Dù 1.000- 2.000đ cũng đều đáng quý. Tích cốc phòng cơ, góp gió thành bão để đến khi cần mua một món quà ý nghĩa thì đập ống heo mà mua lấy, không cần phải nhờ đến tiền ba mẹ mua cho.

Để làm được điều này, ba mẹ chính là người giáo dục, khuyến khích con thực hiện cho bằng được. Nếu trẻ học được thói quen tốt này thì tương lai của trẻ sẽ có lối sống tiết kiệm mọi lúc mọi nơi chứ không lãng phí hay xa xỉ.

NGUYỄN THANH VŨ