Cần nâng cao ý thức trong xử lý rác thủy tinh

Cập nhật, 14:39, Thứ Năm, 28/06/2018 (GMT+7)

Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề bức thiết trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Đặc biệt đối với rác thủy tinh ngoài việc thu gom cho sạch sẽ, tránh nguy hiểm cho bản thân thì cũng cần xử lý kỹ để không mang đến mối họa cho người khác.

Vào một chiều tối, khi tôi đang tản bộ gần nhà thì nghe loáng thoáng chú công nhân vệ sinh đang càm ràm về ý thức xử lý rác của một ai đó. Qua ánh đèn đường, tôi nhận ra tia sáng của những mảnh vỡ thủy tinh lóe trên miệng thùng rác.

Tôi ghé lại nhìn: Trời ạ! Hai ba cái ly thủy tinh vỡ nát nằm ngay trên mặt. Tôi chưa kịp nói gì thì cả thùng rác đã được chú đổ ào lên xe.

Tôi bước đi mà trong đầu là hình ảnh: Xe vừa đến bãi rác, những người nhặt ve chai tranh nhau xông vào giành giật. Những mảnh vỡ thủy tinh chắc vẫn “hiên ngang” nằm đấy. Và, trong đám người ấy có cả những đứa trẻ…

Xã hội phát triển, đời sống con người ngày càng được nâng lên. Việc thải loại rác giờ đây không còn cảnh đào hố sau nhà hay đổ đại ở mé mương trong vườn. Ngày nay, rác chỉ việc thu gom để ở nơi tập trung là có ngay xe đến lấy mang đi xử lý.

Tiện lợi là thế! Ấy vậy mà có nhiều người vẫn còn “ôm” trong đầu cái suy nghĩ chỉ biết có mình. Chắc họ nghĩ vứt những mảnh ly bể vào thùng rác là gọn gàng rồi, nó đã nằm trong thùng rác chứ có để ra ngoài đâu mà lo.

Và, chắc họ cho rằng người dọn rác phải có trách nhiệm dọn chớ sao! Nhưng những mảnh ly thủy tinh sắc nhọn kia biết đâu còn sót lại, chực chờ khứa toạc tất cả mà có thể đó là những bàn chân của người thân trong gia đình họ.

Nghiêm trọng hơn, những mảnh vỡ thủy tinh trộn lẫn với rác bẩn, chứa đầy mầm bệnh có thể dẫn đến “phong đòn gánh” (uốn ván) đe dọa tính mạng con người nếu vô tình giẫm phải.

Từ những nguy ngại trên, rất cần người dân nâng cao ý thức hơn trong việc xử lý rác, đặc biệt là rác thủy tinh. Chúng ta nên phân loại rác tại nhà để tiện cho người có trách nhiệm xử lý. Rác nào thuộc “ve chai” nên bỏ riêng cho người nhặt ve chai dễ nhặt.

Rác sinh hoạt cho vào túi ny lông, cột lại cẩn thận rồi mới đặt vào thùng rác. Đối với rác thủy tinh, nhất thiết phải dán nhãn “nguy hiểm, mảnh vỡ thủy tinh”. Đó là cách bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của chính mình.

DIỄM KIỀU