Tai nạn lao động

Cập nhật, 04:32, Thứ Năm, 03/05/2018 (GMT+7)

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm gần 24% tổng số vụ TNLĐ trên cả nước. Thực tế, lĩnh vực xây dựng có nhiều đặc điểm, đặc thù riêng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNLĐ.

Một số sự cố mất an toàn trong thi công lao động (LĐ) xảy ra, điển hình là sập dàn giáo tổ hợp công trình tại TP Đà Nẵng, sập giàn giáo tại Vũng Tàu… khiến nhiều người thương vong.

Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng LĐ còn chưa cao, lỗi do chủ sử dụng LĐ chiếm tới 72,7%, chỉ khoảng 13,4% là do NLĐ. 

Phân loại nguyên nhân cho thấy, các vụ TNLĐ xảy ra trong thời gian qua thường là do người sử dụng LĐ không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn LĐ, không có biện pháp kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những sai sót, đặc biệt là đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Hầu hết các vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra tại các công trình đang thi công xây dựng, do té ngã từ trên cao xuống.

Nhiều LĐ, nhất là trong các nhóm LĐ tự do, do thiếu hiểu biết, chưa được huấn luyện an toàn, chưa có ý thức chủ động phòng tránh TNLĐ cho bản thân nên lơ là, bất cẩn trong thi công xây dựng.

Song song đó, ngoài trách nhiệm từ phía người sử dụng LĐ và người LĐ, một phần nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế, sự phối hợp của các ngành, các cấp chưa thực sự hiệu quả.

Thực tế, còn nhiều công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình riêng lẻ chưa được kiểm tra về nội dung an toàn LĐ; chưa bảo đảm sự tuân thủ quy định pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng. 

Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh LĐ trong lĩnh vực này còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. 

Điều kiện LĐ chưa đảm bảo an toàn, có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn như các đơn vị chưa quan tâm đúng mức việc trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ cho LĐ.

Từ đó dẫn đến tai nạn như dẫm phải đinh, vật nhọn, va đập vào đầu bị trầy xước. Một số đơn vị chưa cử cán bộ tham gia tập huấn, hướng dẫn về an toàn vệ sinh LĐ dẫn đến tai nạn như lật giàn giáo, ngã từ trên cao, bị vật rơi trúng đầu;...

Thiết nghĩ, nguyên nhân các sự cố mất an toàn LĐ trên công trình vẫn xuất phát từ con người, chính con người không tuân thủ quy định an toàn.

Vì vậy, phải nâng cao ý thức chủ thể để làm giảm thiểu tai nạn tại các công trình xây dựng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp đồng bộ, tăng cường sự phối hợp, siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình an toàn LĐ tại các công trường. 

SÔNG TRĂNG