Xin để "chuyện gì ra... chuyện gì"!

Cập nhật, 05:35, Thứ Tư, 11/04/2018 (GMT+7)

Khi thông tin đến với mọi người ngày càng nhiều và bằng nhiều kênh khác nhau thì cũng không tránh khỏi những dị bản. Điều đáng nói là những dị bản ấy quá sai lệch so với bản chính, phóng to thông tin làm cho người đọc hoang mang.

Đôi khi mục đích của việc này chỉ nhằm câu “view” hay câu “like” nhưng không ít những thông tin được thêm bớt ấy, đã tạo nên một “tiếng nổ lớn” không thể ngờ, khiến dư luận phẫn nộ, từ nghi ngờ nhân cách một con người sang đánh đồng tất cả những người cùng ngành nghề!

Những vụ bạo hành xảy ra trong ngành giáo dục là y như rằng “nhân cách nhà giáo đang bị xuống cấp trầm trọng” làm biết bao nhà giáo yêu nghề mến trẻ phải đắng lòng. Xin được phép nói cho rõ: Tôi không phải là nhà giáo và từng là học sinh bị bạo hành!

Trong một nồi canh đại dương bao la thì những con sâu là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là có phải các vụ bạo hành đang nhiều hơn lên?

Hay do chúng ta nhận được quá nhiều thông tin kể cả chính thống và không chính thống, đúng và chưa đúng. Điển hình như chuyện “học sinh bị cô giáo cho uống nước giẻ lau bảng” thì có rất nhiều dị bản.

Từ những thông tin cô giáo đó con ông to bà lớn đến chuyện học sinh bị uống nước lau bảng mấy tháng trời rồi, phải là bông lau bảng thiệt dơ cô mới chịu…

Chuyện đã lớn, lại càng lớn thêm lên! Dĩ nhiên, cũng sẽ có những chuyện to to được “hồ biến” để thành chuyện nhỏ, rồi chuyện nhỏ lại hóa không!

Hãy thử đi hỏi những cô bác lớn tuổi, xem khi xưa họ học tập thế nào? Có bạo hành không? Xin thưa rằng “có”. Những chuyện đánh học sinh vào thập niên 80, 90 được xem là chuyện bình thường.

Tôi còn nhớ năm mình học lớp 1 (năm 1994), ngày nào cũng bị cô giáo dùng thước bảng to đánh vào tay, vào mông: giơ tay không thẳng… cô đánh, đánh vần sai… cô đánh, viết tay trái… cô đánh, nói chuyện… cô đánh, ấp úng… cô đánh và sau khi cô đánh mà khóc thì cô lại đánh tiếp.

Không chỉ có mình tôi mà hầu như bạn nào trong lớp cũng bị đánh và có bạn đã bị cô giáo đánh tới gãy thước vì tội “nói chuyện trong giờ học”.

Xa xưa hơn nữa, có những giáo viên phạt học sinh quỳ lên vỏ mít, đánh bằng roi mây, chửi mắng thậm tệ… Nói như thế không phải tôi cho rằng bạo lực học đường là bình thường, tôi chỉ muốn nói rằng đó là chuyện thời nào cũng có. Vấn đề là chuyện không bị làm lớn lên bởi “thời đại thông tin” mà thôi.

Cần có cái nhìn “không vơ đũa cả nắm” và thông tin vừa đủ, vừa phải cho một vấn đề. Khi thông tin, xin thông tin cho chính xác và khách quan, xin hãy cho “cái gì được là cái gì”, “chuyện gì ra chuyện gì”… Xin đừng bóp méo hay phóng to sự thật!

VĨNH PHÚC