Cảnh giác hàng kém chất lượng tràn về nông thôn

Cập nhật, 05:05, Thứ Sáu, 06/04/2018 (GMT+7)

Hiện nay tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả tràn về kinh doanh để “móc túi” người tiêu dùng với nhiều hình thức như: giảm giá nhân ngày thành lập công ty, xí nghiệp; ngày lễ lớn của cả nước; thậm chí còn núp bóng chương trình “hàng Việt về nông thôn”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Những sản phẩm thường thấy ở hình thức này là các loại hóa mỹ phẩm, quần, áo, bánh kẹo, nước uống, xà bông và các loại sản phẩm khác với giá rẻ bất ngờ, có khi chỉ bằng 1/2 giá bán trên thị thường.

Đây chính là chiêu thức “hấp dẫn” cuốn hút người tiêu dùng- nhất là người thiếu hiểu biết, ít kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm, không quan tâm hoặc không biết đến nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng mình đã mua mà chỉ quan tâm đến giá rẻ mà thôi.

Đáng lo ngại là một số sản phẩm “nhái” các loại sản phẩm có uy tín trên thương trường để đánh lừa người tiêu dùng.

Xin đơn cử một số mặt hàng “nhái” như: bánh Chocopie của Orion thì cũng có loại khác với bao bì gần giống nhưng được gắn nhãn Chocopai hoặc Choco.bic; bánh Custas bị nhái bởi bánh Custard; nước Aquafina bị nhái bởi Aqualav; bột ngọt Ajinomoto thì có hàng nhái là Ajmote; bếp gas Rinnai của Nhật Bản lại được nhái thành Ruinai, Funai...

Còn nhiều và rất nhiều hàng “nhái” tương tự ở nhiều loại vật dụng, thực phẩm khác nhau. Và tất nhiên giá cả hàng nhái sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng.

Vấn đề đặt ra là cơ quan nào theo dõi, kiểm tra các mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả bày bán ở khu vực nông thôn?

Cạnh đó, phải nói rằng yếu tố quyết định chính là sự lựa chọn, sự hiểu biết của người tiêu dùng vì nếu họ sáng suốt “tẩy chay” hay thẳng thừng từ chối hàng kém, hàng nhái, hàng giả thì người bán sẽ không có đất sống.

 Trên thực tế đã có không ít người tiêu dùng dù biết sản phẩm không đạt chất lượng, là hàng nhái, hàng giả nhưng chấp nhận mua chỉ vì một lý do đơn giản: giá rẻ, còn hậu quả thế nào thì bất chấp và đã có rất nhiều trường hợp “tiền mất, tức mang”.

PHƯƠNG ANH