Trường học, trạm xá "2 trong 1"?

Cập nhật, 15:02, Thứ Năm, 18/01/2018 (GMT+7)

 

Nhà bia tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong cơn bão Linda năm 1997 tại xã đảo Nam Du (quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang).
Nhà bia tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong cơn bão Linda năm 1997 tại xã đảo Nam Du (quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang).

Theo các tài liệu về khí tượng, Việt Nam nằm trong vùng hứng chịu nhiều cơn bão hàng năm của thế giới.

Riêng năm qua, hơn chục cơn bão đã đổ bộ vào nước ta, các tỉnh duyên hải ở miền Bắc và miền Trung hứng chịu nhiều cơn bão nhất, đặc biệt ở nhiều vùng sau bão là lũ khiến cho người dân tại chỗ vô cùng khốn đốn.

Các cơn bão này về cuối năm lại thường có khuynh hướng chệch về phương Nam là vùng Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nam Bộ của ĐBSCL vốn là các địa phương có tỷ lệ nhà cửa kém kiên cố cao và người dân ít có kinh nghiệm chống chọi với các cơn bão.

Chính vì vậy, năm 1977, khi cơn bão có tên Linda đổ bộ vào vùng này đã gieo kinh hoàng cho cả vùng: 3.111 người chết và 857 người bị thương, trong đó có rất nhiều ngư dân là lao động chính của các gia đình, trên 3.100 tàu thuyền đánh cá bị hư hại và chìm trên biển, phá hủy trên 76.000 ngôi nhà và hơn 139.000 nhà khác bị hư hại làm trên 383.000 người mất nhà cửa, mức thiệt hại chung lên đến 7.180 tỷ đồng (tương đương 385 triệu USD) …

Hình ảnh thường thấy nhất sau các cơn bão là người chết vì bão lũ, cây đổ, các cơ sở hạ tầng và nhà cửa của người dân bị hư hại…

Để hạn chế thiệt hại về sinh mạng con người, trước các cơn bão- nhất là bão dữ- các cấp chính quyền vùng dự báo sẽ chịu ảnh hưởng của bão đều dừng mọi công việc thường ngày tập trung vận động người dân chằng buộc nhà cửa, dùng mọi phương tiện đưa hay thậm chí cưỡng chế người già và trẻ em đến các nhà kiên cố để tránh bão.

Thế nhưng, hầu như chưa có cơn bão nào đi qua mà không có người chết, không có hàng ngàn ngôi nhà bị sập hay tốc mái…

Trước thực tế này và trước các biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và tần suất xuất hiện các cơn “siêu bão” ngày một nhiều, tôi thiển nghĩ nên chăng trong khi chờ đợi cuộc sống của đại bộ phận các gia đình người dân có kinh tế khá lên cất được nhiều nhà cửa kiên cố, trước mắt chính quyền các cấp- nhất là các vùng thường xuyên bị bão uy hiếp- trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới nên liên kết với kế hoạch chung của ngành y tế và giáo dục trước hết xây dựng hay cải tạo các trạm xá (chỗ dựa của người dân trước các sự cố trong bão lũ) và các trường học kiên cố có kết cấu chống chọi được các cơn bão lớn (để người dân có nơi tránh trú khi có bão).

Khi có các cơ sở với chức năng “2 trong 1” này thì về lâu dài sẽ phục vụ tốt hơn nhiệm vụ y tế, giáo dục cho người dân và chính quyền địa phương cũng bớt lo khi có bão lũ…

Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN TƯ