Ngăn chặn bạo hành, nên tập cho trẻ thói quen chia sẻ

Cập nhật, 10:22, Thứ Tư, 10/01/2018 (GMT+7)

Hôm qua, xem clip bé trai bị nhóm bạn nữ học cùng Trường THCS Chánh An (Mang Thít) đánh, đạp té nhào nhưng không dám phản kháng, chỉ biết ôm đầu chịu đòn và khóc mà đau nhói lòng.

Theo chủ tài khoản đăng clip trên Facebook thì nhóm nữ sinh vừa đánh bạn, vừa dùng điện thoại quay lại đang học lớp 8.

Bất bình trước thái độ cười cợt, đánh bạn hội đồng rồi quay clip của nhóm nữ sinh bao nhiêu thì người xem càng bức xúc và thương cho sự cam chịu của bé trai bấy nhiêu.

Bởi sự im lặng không dám nói cho người thân, thầy cô biết chuyện này của bé trai đã vô tình “tiếp tay” cho sự sai trái của nhóm nữ sinh kia ngày càng đi xa. Nếu sự việc không được đưa lên mạng xã hội và bị nhiều người lên án, chưa chắc hậu quả dừng lại ở đó và bé trai sẽ còn chịu những ảnh hưởng gì.

Thực tế, bạo lực học đường đang gióng lên hồi chuông báo động với nhiều vụ học sinh bị trấn lột, hành hung diễn ra ngày càng nhiều ở tất cả các cấp học.

Cụ thể, tại một trường tiểu học ở TX Bình Minh, một bé trai vào lớp 1 mới được vài tuần nhất quyết không chịu mẹ mua thức ăn sáng mà nằng nặc đòi tiền để “vào căng tin mua ăn với bạn”.

Nhưng rồi buổi học nào, mẹ vừa rước về bé cũng chạy ào vào bếp kêu đói đòi cơm. Người mẹ nghi ngờ theo dõi thì phát hiện, mỗi sáng con vừa vào lớp là có một bạn chặn từ cửa kêu đưa tiền và dọa đánh, nên có bao nhiêu tiền bé đành đưa hết.

Ở TP Vĩnh Long cũng từng xảy ra chuyện một học sinh THCS bị nhóm bạn cùng trường đánh gây thương tích phải nhờ công an giải quyết; thậm chí có trường hợp học sinh cấu kết với số thanh niên hư hỏng bên ngoài trấn lột một học sinh lớp 7, hôm nào không có tiền nộp là em này bị lôi vào nhà vệ sinh đánh thâm tím cả người, nên phải về nhà ăn cắp tiền của mẹ.

Đến khi nhóm này yêu cầu số tiền ngày càng cao kèm lời dọa “không có tiền nộp sẽ đón đâm mẹ mày chết”, em đã hoảng sợ bỏ nhà đi thì sự việc mới được phát hiện...

Rõ ràng, nếu các nạn nhân nói trên biết cách chia sẻ thì bạo hành sẽ được ngăn chặn từ khi vừa nhen nhóm. Do đó, xử nghiêm những học sinh xem việc đánh bạn là thú vui, là cách để giải quyết bạo lực thì cũng cần tập cho trẻ thói quen chia sẻ.

Ở trường, thầy cô nên quan tâm, gần gũi để các em có thể tâm sự khi gặp rắc rối trong học tập cũng như cuộc sống. Về nhà, cha mẹ hãy là một người bạn khơi gợi cho con kể lại chuyện học hành, vui đùa trong ngày.

Khi trẻ đã quen chia sẻ, chỉ cần tinh ý bạn sẽ nhận ra ngay những bất ổn của con em hoặc học sinh mình đang gặp phải và cùng phối hợp giải quyết từ đầu, sẽ tránh được chuyện trẻ bị bạo hành trong thời gian dài.

DIỄM PHƯỢNG