Điện thoại khi đang lái xe-"uy hiếp" an toàn giao thông

Cập nhật, 17:01, Thứ Tư, 24/01/2018 (GMT+7)

Việc dùng điện thoại- nhất là điện thoại di động (ĐTDĐ), để giao tiếp hàng ngày của người dân hiện nay trở nên phổ biến, nhất là những người hành nghề kinh doanh và dịch vụ tại các thành phố và khu dân cư.

Với các tiến bộ kỹ thuật của các nhà mạng, người có ĐTDĐ có thể sử dụng gần như mọi lúc mọi nơi, có nhà mạng còn có thể phục vụ khách hàng của mình ở những hải đảo xa xôi.

Tuy nhiên, không ít người đã lạm dụng các tiện ích của ĐTDĐ khi đang lái xe- đáng chú ý nhất là các tài xế xe khách và xe hàng - gây lo lắng cho các hành khách trên xe và những người đang cùng tham gia giao thông với họ.

Trên thế giới, việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe là một hành vi uy hiếp an toàn giao thông đã bị ngăn cấm theo Công ước quốc tế về an toàn giao thông.

Việt Nam có tham gia công ước này nhưng hành vi trên chưa được luật hóa để có những chế tài nhất định, dù vậy cũng có các nghị định, quy định về an toàn giao thông đề cập đến.

Cụ thể như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không cấm sử dụng điện thoại trên ôtô, chỉ cấm với xe máy hay Nghị định 46 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có quy định người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển ôtô chạy trên đường sẽ bị phạt tiền 600.000đ, tước giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng…

Theo thông tin mới đây trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, một nghiên cứu an toàn giao thông đường bộ của TS. Vũ Anh Tuấn trên 210.000 người ở 9 điểm tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương cho thấy: 50% tài xế xe tải, 39% tài xế xe con, 37% xe khách và 8% xe máy có sử dụng ĐTDĐ khi đang lái xe trên đường.

Các dịch vụ mà họ sử dụng là nghe, gọi và nhắn tin, rất ít người sử dụng điện thoại khi đang rảnh tay (handsfree), đặc biệt lúc sử dụng 61% người được hỏi cho biết họ vẫn giữ nguyên tốc độ của xe đang chạy.

Nghiên cứu này cũng cho biết có từ 6- 8% tai nạn giao thông xảy ra do sử dụng điện thoại khi lái xe và kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn việc này.

Trên thực tế ai đã từng đi trên các phương tiện giao thông công cộng đường bộ đều dễ dàng bắt gặp các tài xế sử dụng ĐTDĐ rất tùy tiện.

Trên một chuyến xe, có khi họ có đến hàng chục lần nghe các cuộc gọi đến hay họ gọi với bến, hẹn với khách hàng, thông tin với nhau về tình hình đường sá và hoạt động của các đơn vị kiểm soát giao thông, có cả nhắn tin và nói chuyện với bạn bè hay các người trong gia đình họ…

Theo như nghiên cứu nói trên, nếu có đến 6- 8% tai nạn giao thông từ việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe thì tình hình trên quả là đáng lo ngại- nhất là ở các xe khách vì việc lái xe của các tài xế có liên quan đến sự an toàn của chính mình và hàng chục hành khách trên xe…

Nhưng cũng có một thực tế là hành khách trên xe cũng khó lòng có ý kiến với các tài xế về những trường hợp này, vì hình như đó là một việc liên quan đến kết quả kinh doanh của chuyến xe gắn liền với thu nhập của người lái (có những thu nhập ngoài lương hay thù lao của chuyến), còn các lực lượng có nhiệm vụ kiểm soát giao thông cũng khó mà bắt tận tay các bác tài sử dụng điện thoại khi lái xe để xử lý.

Vấn đề còn lại phải chăng là sự cẩn trọng của các tài xế và sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khi ngồi sau tay lái của họ như theo một khẩu hiệu “Lái xe bằng cả trái tim!” Về phía chủ các xe, ban quản lý các hợp tác xã xe khách, xe hàng cần thường nhắc nhở các tài xế về vấn đề này và có các biện pháp ngăn chặn (gắn camera hành trình) hay tạo điều kiện cho các bác tài dễ dàng trong làm nhiệm vụ của mình đúng theo các quy định về an toàn giao thông (như phải sử dụng điện thoại theo cách rảnh tay khi đang lái xe- handsfree- như kinh nghiệm của các nước tiên tiến).

NGUYỄN THỊ THU