Câu chuyện tình người

Cập nhật, 14:47, Thứ Ba, 16/01/2018 (GMT+7)

Rất nhiều người trong đó có tôi đã vô cùng xúc động trước một thông tin rất đơn giản nhưng tác động xã hội vô cùng lớn lao.

Đó là chuyện cán bộ quản lý một trại tạm giam ở tỉnh Nghệ An đã hình thành mô hình tiết kiệm gạo trong bữa ăn hàng ngày để giúp đỡ cho gia đình các phạm nhân đang gặp khó khăn.

Quá cao đẹp và nhân văn khi anh cán bộ quản lý trại tạm giam ngày đêm chăm sóc, cảm hóa, giáo dục người lầm lỡ quay về nẻo thiện để làm lại cuộc đời vốn đã rất vất vả trước công việc lặng thầm, gian khổ và không kém phần nguy hiểm.

Vậy mà họ đã chắt chiu từng nắm gạo nhân ái để chia sớt cho những gia đình phạm nhân nghèo. Với họ, dù phạm tội gì đi nữa thì những phạm nhân ấy vẫn là những con người như bao con người bình thường, chỉ khác ở chỗ họ đang phải chấp hành những bản án của pháp luật vì đã vi phạm luật pháp.

Đó là lẽ tất nhiên và là sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật trên nguyên tắc “Công thưởng, tội trừng”.

Với những cán bộ trại giam đầy lòng nhân ái ấy, không lập lại quá khứ mà hãy hướng đến tương lai bằng tất cả những gì có thể bởi hôm qua họ là những tội phạm của xã hội nhưng ở ngày mai nếu được giáo dục tốt, chuyển biến nhận thức tốt, được tạo điều kiện tốt họ sẽ trở thành những công dân tốt trong tương lai và thực tế đã chứng minh có rất nhiều người lầm lỡ đã vượt qua quá khứ thành đạt, đóng góp tích cực vào việc xây dựng xã hội ngày càng phát triển.

Điều đáng nói là họ- những nhân vật hoàn toàn có thật giữa đời thường, bằng xương, bằng thịt với những câu chuyện cũng có thật giữa cuộc đời để mọi người chiêm nghiệm, để rút ra những bài học đắt giá trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều góc độ cho chính mình và những người xung quanh.

Tuy thực tế đâu đó vẫn còn những khiếm khuyết trong việc kỳ thị với người lầm lỗi, chưa tạo việc làm ổn định cùng với những chính sách khác cho những phạm nhân mới được trở về hòa nhập cộng đồng nhưng nhìn chung đây chỉ là một phần rất nhỏ nhoi trong cái được của việc quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ giúp đỡ người lầm lỗi từ các địa phương trong thời gian qua.

“Đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại với mình”, người xưa cũng đã từng dạy cháu con như vậy. Và trong thực tế, Đảng, Nhà nước ta cũng thực hiện lời dạy của ông cha qua các chủ trương, chính sách đối với người lầm lỡ thực sự biết ăn năn, hối lỗi.

Những nắm gạo nhỏ nhoi của những cán bộ, chiến sĩ trại giam xa xôi ấy thật ý nghĩa biết bao.

PHƯƠNG ANH