Người hút thuốc lá ở các đô thị có xu hướng giảm

Cập nhật, 05:28, Thứ Năm, 05/10/2017 (GMT+7)

Theo điều tra của Tổng Cục thống kê, sau khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành, việc hút thuốc lá của Việt Nam có xu hướng giảm, đặc biệt là ở các đô thị.

Kết quả điều tra cho thấy, năm 2015 Việt Nam có 22,5% dân số trên 15 tuổi đang hút thuốc, tương đương với 15,6 triệu người.

So với năm 2010 tỷ lệ hút ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% xuống còn 22,5%. Trong đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 45,3% năm 2015; tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm từ 1,4% năm 2010 xuống 1,1% năm 2015.

Tại khu vực thành thị, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 47,7% xuống 42,7%. Sự giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc ở nhóm nam giới tại khu vực thành thị cho thấy thành công bước đầu của công tác truyền thông về tác hại thuốc lá, về các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá sau khi luật này có hiệu lực.

Một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm rõ rệt tại hầu hết địa điểm công cộng như tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,3% xuống còn 19,4%)…

Theo TS. Socorro Escalante- Trưởng Nhóm phát triển Hợp tác y tế thế giới, Tổ chức WHO tại Việt Nam nhận định, mặc dù có xu hướng giảm nhưng với tỷ lệ 45,3% nam giới hút thuốc thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới.

Bên cạnh đó, trong khi tỷ lệ hút thuốc ở khu vực thành thị giảm thì ở khu vực nông thôn lại không có sự thay đổi.

Một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, lại được bày bán khắp nơi, mọi người đều dễ dàng có thuốc lá hút.

Để có thể kéo giảm tỷ lệ này, các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cần đẩy mạnh thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng; tăng cường truyền thông để duy trì và hướng tới thay đổi hành vi của người hút thuốc.

SÔNG TRĂNG