Tăng cường bảo vệ sức khỏe trẻ em khi vào mùa nước nổi

Cập nhật, 05:32, Thứ Tư, 06/09/2017 (GMT+7)

Mùa nước nổi về mang theo nhiều phù sa, sản vật vùng sông nước góp phần cải thiện kinh tế, đời sống nhưng cũng kèm theo đó biết bao điều hiểm nguy cho trẻ em vùng sông nước.

Ngoài nỗi lo canh cánh nạn đuối nước diễn ra bất kỳ khi nào đối với trẻ em thì nỗi lo không kém phần quan trọng là đảm bảo sức khỏe, chống dịch bệnh cho trẻ trong thời điểm này.

Khi nước lũ về, nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước lan đi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường và tăng nhanh khả năng bùng phát dịch bệnh.

Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh bùng phát, đáng chú ý là bệnh sốt xuất huyết, tay- chân- miệng và tiêu chảy,… gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân nói chung và trẻ em nói riêng.

Chính vì vậy, để chủ động phòng, tránh dịch, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trong mùa nước nổi, đòi hỏi mỗi gia đình cần tăng cường các biện pháp tự phòng tránh như đảm bảo được nguồn nước sạch để sử dụng, lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh.

Đặc biệt là thực hiện ăn chín uống sôi; thực phẩm phải được bảo quản tốt, tránh ẩm, mốc; phòng chống côn trùng, động vật gây bệnh như ruồi, nhặng; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn,…

Cần tăng cường dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà, chủ động thu gom rác thải, xác động vật chết; nạo vét, khơi thông cống rãnh góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường; loại bỏ nơi cư ngụ, sinh sản của tác nhân gây bệnh bằng cách tiêu diệt lăng quăng, diệt muỗi, đậy kín lu, thùng chứa nước,… Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đưa trẻ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài việc chủ động phòng tránh dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường của mỗi gia đình thì các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, đồng thời cũng tăng cường các hoạt động kiểm tra, nhắc nhở và chuẩn bị tốt trang thiết bị, thuốc để sẵn sàng điều trị, nhanh chóng dập tắt được dịch bệnh khi xuất hiện.

Thực hiện tốt các điều này chính là chúng ta góp phần quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em an toàn vào mùa nước nổi.

VĂN THY HOÀNG