Điện thoại thông minh và chức năng... giữ trẻ

Cập nhật, 05:47, Thứ Ba, 08/08/2017 (GMT+7)

Cuối tuần, tôi chở con gái nhỏ đi cà phê với bạn bè. Khi vào quán, con gái “nhõng nhẽo” không ngồi yên, đòi về, đòi chở đi chơi... Bạn tôi nói “lấy điện thoại cho bé chơi là bé ngồi yên liền hà”.

Tôi móc điện thoại ra, con gái vui vẻ đón lấy và ngồi yên một chỗ, chăm chú chơi điện thoại, không quấy khóc, không đòi về. Nhìn xung quanh thì phát hiện không chỉ riêng con tôi mà các bé ở hầu hết các bàn cà phê đều cầm một chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng ngồi bấm.

Bé thì chơi game, bé xem youtube, có bé còn quá nhỏ chưa biết gì thì vuốt qua vuốt lại thấy hiệu ứng thay đổi là thích thú ngồi vuốt hoài.

Giữa các bé có một điểm chung là không gây phiền cho cha mẹ, không ai để ý ai, chỉ chăm chú vào thiết bị bé đang cầm trên tay. Thì ra điện thoại thông minh ngoài các chức năng nghe, gọi, giải trí, còn có thêm một chức năng thật tuyệt vời đó là “giữ trẻ”.

Đầu tuần đi làm, tôi thấy chị đồng nghiệp dẫn con vào cơ quan vì trường cho nghỉ. Để chuyên tâm làm việc, chị cũng cho bé mượn điện thoại ngồi chơi. Chị cho biết khi về nhà chị cũng cho bé mượn điện thoại chơi để bé khỏi phiền cha mẹ làm việc nhà...

Tôi giật mình khi thấy một bé học chung lớp nhà trẻ với con tôi cầm điện thoại vào lớp. Hỏi ra thì biết bé “nhõng nhẽo” quá nên mẹ đưa điện thoại cho bé chơi thì bé mới chịu đi học.

Trẻ em là trang giấy trắng, luôn tìm tòi, học hỏi, khám phá những điều mới, lạ xung quanh. Việc cho bé tiếp cận các thiết bị thông minh cũng góp phần kích thích sự phát triển não bộ cũng như khả năng tìm tòi khám phá cái mới của bé...

Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên lạm dụng việc cho trẻ chơi điện thoại, máy tính bảng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.

Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đăng tải rất nhiều thông tin về tác hại của điện thoại, máy tính bảng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ (ai chưa nắm những thông tin này thì lên mạng Internet sẽ biết).

VĂN NGỌC