Cẩn thận khi cung cấp thông tin cá nhân

Cập nhật, 05:08, Thứ Năm, 31/08/2017 (GMT+7)

Cuối tuần rồi, tôi nhận được cuộc gọi từ một trung tâm chăm sóc sức khỏe. Điều làm tôi bất ngờ là từ trước đến nay tôi hoàn toàn không liên hệ gì về trung tâm này nhưng phía họ lại có đầy đủ các thông tin về tôi, từ điện thoại di động, e-mail, địa chỉ nhà, cũng như công việc.

Khi tôi thắc mắc thì cô nhân viên giả lả giây lát rồi nói: thông tin của anh được chia sẻ từ siêu thị, cửa hàng điện máy do anh cung cấp.

Dù quá giận về vấn đề này nhưng tôi vẫn cố bình tĩnh trò chuyện, nói rằng sẽ cố gắng thu xếp đến dự lễ khai trương rồi cúp máy.

Sau đó tôi có gọi đến những nơi mà mình từng cung cấp thông tin cá nhân như nhà mạng V., siêu thị C., trung tâm điện máy N., kể cả ngân hàng D. nhưng họ khẳng định bảo mật thông tin khách hàng một cách tuyệt đối. Không đủ lý để đôi co với họ nên tôi bỏ qua.

Câu chuyện bỗng dưng một ngày đẹp trời xuất hiện một cuộc gọi làm phiền như vậy không phải là lần đầu tiên.

Cứ cách một tuần là có cuộc gọi từ công ty bảo hiểm P., công ty đa cấp C., rồi các trung tâm thể dục thể hình, công ty tài chính... giới thiệu dịch vụ của họ. Nhưng việc biết tất cả các thông tin cá nhân thì đây là cuộc gọi đầu tiên.

Đem bức xúc này tâm sự với bạn bè thì họ cười và bảo rằng: “Mình cũng từng là nạn nhân”. Một người bạn làm trong một công ty bảo hiểm khẳng định rằng, thông tin cá nhân bị lộ là do bên B cung cấp.

Tôi cũng nghĩ là thế, vì không thể nào thông tin cá nhân của một người mà phía các trung tâm dịch vụ biết rất rành rọt.

Phía bên B đã bán thông tin cho bên thứ ba nhằm trục lợi, dù rằng họ luôn miệng bảo rằng tuyệt đối không tiết lộ thông tin cá nhân của khách hàng. Do khách hàng không đủ cơ sở, chứng cớ để phản ánh, kiện cáo nên ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua.

Để thông tin cá nhân không bị kẻ khác trục lợi, mọi người hết sức cảnh giác, không nên cung cấp thông tin tràn lan trên mạng.

Việc cung cấp thông tin cho ngân hàng, siêu thị là điều cần thiết nhưng mọi người cũng nên thường xuyên thay đổi một vài thông tin để tránh bị phiền phức.

Mặt khác, nên bó hẹp thông tin cá nhân ở vài cơ quan để biết mà lần ra manh mối. Trong trường hợp bên thứ ba thường xuyên gọi điện làm phiền, dù lịch sự, cũng nên nói cho họ hiểu điều đó là vi phạm quyền riêng tư, nếu tiếp tục sẽ nhờ công an vào cuộc. Không nên nói chuyện dây dưa với họ.

Sẽ rất dễ tiếp tục bị làm phiền..., “đeo như sam”, vì họ nghĩ mình quan tâm đến dịch vụ đó. Chỉ có dứt khoát như thế mới hy vọng không bị các số lạ làm phiền liên tục.

NGUYỄN HOÀNG DUY