Lạm dụng còi xe

Cập nhật, 14:23, Thứ Tư, 14/06/2017 (GMT+7)

Đang giờ trưa, trong khi cả dãy trọ người thì lo tranh thủ nghỉ ngơi, người thì cơm nước, xem ti vi bỗng đâu tiếng còi dài xuất hiện.

Một thanh niên rồ ga chạy thẳng vào trước cửa phòng số 2. Thay vì gọi bạn thì đằng này anh ta bấm còi trước rồi mới chịu lên tiếng: “Thằng Thành đâu rồi? Ra đón bạn nè!” Những cái đầu bực dọc, tò mò thò ra cửa.

Lần khác, tôi cũng từng chứng kiến một cô gái xinh đẹp, đi xe tay ga đang chạy trong đường hẹp, phía trước là cụ bà dắt theo đứa cháu nhỏ. Từ xa, thấy choán đường, cô gái bấm còi liên tục để thúc bà nhanh nép vào lề. Còi xe đang bị lạm dụng quá mức!

Chuyện về còi xe được sử dụng một cách bừa bãi không còn quá mới, thậm chí là việc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Thế nhưng, sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, giáo dục về ý thức sử dụng còi xe có văn hóa thì đến nay vấn nạn này vẫn không hề thuyên giảm nên dù muốn hay không, nhiều người vẫn phải nếm trải hàng ngày.

Đèn đỏ chưa kịp bật sang xanh thì xe phía sau đã vội bấm còi. Muốn xin đường, xin rẽ không xi nhan mà bấm còi. Ra đường gặp người quen cũng bấm còi. Bấm còi giữa lúc đêm khuya hay trời hừng sáng.

Bấm còi ngay cả khi đi qua cổng bệnh viện, trường học... Những việc tưởng như chẳng có gì nhưng thật ra lại gây phiền toái, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người xung quanh thậm chí là dễ xảy ra xô xát, tai nạn.

Không ít trường hợp người đi môtô giật mình loạng choạng tay lái- nhất là phụ nữ và người có tuổi- khi vô tình đi bên cạnh hay phía trước một chiếc xe tải mà đột ngột bị bấm còi. Có người đi cách người phía trước đến cả chục mét đã ấn còi inh ỏi, có người thì lại sát bên mới vội vã bấm còi mà còn quay lại… chửi! 

Tai nạn giao thông là khó tránh khỏi nếu những môtô cùng lưu thông trên đường không xử lý kịp.

Đồng ý rằng còi xe là một phụ tùng của xe không thể thiếu khi tham gia giao thông. Nhưng còi xe phải được sử dụng một cách có ý thức và đúng theo quy định. Đừng xem còi xe là một thứ “thời trang” mà đua nhau lắp đặt phát ra âm thanh công suất lớn, vi phạm quy định của pháp luật, gây hoảng sợ cho người đi đường… 

Pháp luật chỉ xử phạt những trường hợp lắp đặt còi xe sai quy định hoặc bấm còi rú ga liên tục gây ồn ào từ 22 giờ hôm trước cho đến 5 giờ hôm sau chứ không có chế tài đối với hành vi vô ý thức kiểu “thích thì bấm”. 

Nhưng hệ quả của nạn sử dụng còi xe bừa bãi thì ít nhiều ai cũng đã biết đến. Thế nên để bảo vệ chính mình (biết đâu một ngày mình lại là nạn nhân của việc bấm còi bừa bãi) thì mỗi người hãy tự nâng cao ý thức sử dụng còi xe có văn hóa.

NHẬT LAN