Nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy

Cập nhật, 05:20, Thứ Năm, 11/05/2017 (GMT+7)

Thời gian gần đây, tình trạng hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra liên tục trong thời gian ngắn, khiến bất cứ ai cũng đều lo lắng, ám ảnh. Nhiều chủ trương, chính sách cũng như hành động thực tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy nổ, thế nhưng số vụ cháy vẫn không hề thuyên giảm.

Theo thống kê năm 2016, cả nước đã xảy ra trên 3.000 vụ cháy, làm chết 98 người, thiệt hại về tài sản trên 1.240 tỷ đồng.

Các vụ cháy đều xuất phát từ sự bất cẩn, chủ quan của người dân, còn một số doanh nghiệp thì xem nhẹ việc phòng cháy, thậm chí thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) một cách qua loa, chỉ mang tính chất đối phó với các cơ quan chức năng. PCCC- một việc làm vô cùng cấp bách. Thế nhưng hiện nay, công tác này đang bị xem nhẹ trong dân.

Việc đun nấu rồi bỏ đi không người trông coi, điện sử dụng không tắt trước khi rời khỏi nhà là những nguyên nhân thường gặp gây ra những vụ cháy nhà dân thời gian qua.

Chỉ tính riêng quý I/2017, Vĩnh Long xảy ra 4 vụ cháy lớn, làm chết 1 người, bị thương 2 người, thiệt hại về tài sản trên 700 triệu đồng. Nguyên nhân gây ra các vụ cháy có hơn 70% là do chập điện.

Ngoài nhà dân thì nơi có tiềm ẩn rủi ro về cháy nổ nhiều nhất phải kể đến là các chợ dân sinh, đặc biệt là các chợ ở vùng nông thôn.

Do chỉ quan tâm đến việc kinh doanh mà nhiều tiểu thương đã bỏ qua sự an toàn của chính bản thân mình. Những lỗi vi phạm quy định PCCC được các cơ quan chức năng nhắc nhở tiềm ẩn những rủi ro gây ra cháy nổ lại trở nên quá đỗi bình thường đối với các hộ kinh doanh.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, việc chấp hành các quy định về PCCC ở chợ luôn trong tình trạng báo động. Các hệ thống điện ở một số chợ đã quá tải, hệ thống dây dẫn điện được sử dụng lâu năm đã xuống cấp.

Tại một số quầy có hiện tượng câu móc điện không đúng quy cách, đấu nối thêm các thiết bị tiêu thụ khác làm tăng thêm phụ tải, hàng hóa sắp xếp không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC nên tăng các nguy cơ cháy nổ.

Việc sắp xếp hàng hóa lấn chiếm lối đi để tiện việc kinh doanh của mình diễn ra phổ biến, mái hiên được che chắn tạm bợ và làm bằng chất liệu dễ gây cháy.

Khoảng cách các gian hàng bị hẹp, không có lối thoát hiểm nếu xảy ra cháy và nhất là khu vực đặt tủ đựng phương tiện chữa cháy cũng bị tiểu thương lấn chiếm để chất đồ đạc. Nếu có xảy ra cháy, việc sử dụng các dụng cụ chữa cháy chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều bài học đau xót từ các vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nếu như người dân nào cũng làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ đầu thì chắc chắn sẽ hạn chế được tối đa hậu quả của cháy nổ gây ra.

Do đó, phòng hỏa hơn cứu hỏa là một việc làm vô cùng cấp bách hiện hay và cuộc chiến phòng chống cháy nổ cần phải được thực hiện một cách quyết liệt hơn trong toàn dân.

Nếu mỗi người đều nâng cao ý thức đề cao cảnh giác về cháy nổ, thực hiện đúng các nội dung khuyến cáo của ngành chức năng sẽ góp phần tích cực và hiệu quả trong công tác PCCC, vì mục đích chung: “không để cháy nổ xảy ra”.

MAI ANH