Được và lo từ những cuộc "giải cứu"

Cập nhật, 12:27, Thứ Năm, 06/04/2017 (GMT+7)

Mới đây dư luận cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng rất xúc động và ngưỡng mộ hành động “giải cứu” hàng chục tấn dưa hấu của nông dân huyện Duyên Hải (Trà Vinh) của một thanh niên ngụ TP Cần Thơ.

Phương thức thực hiện là người này thu mua dưa tại ruộng với giá cao hơn rất nhiều so với thương lái, sau đó mang về tiêu thụ và khi có lãi, người này tiếp tục trả thêm số lãi phát sinh cho người trồng. Nhân văn quá và kịp thời quá!

Trước đó hàng trăm sinh viên của các trường ĐH TP Hồ Chí Minh cũng đã “giải cứu” thành công hàng ngàn tấn chuối tươi của nông dân tỉnh Đồng Nai do thương lái “biến mất” trong khi chuối chín tràn lan.

Được ở chỗ là có rất nhiều người dân đồng tình ủng hộ việc làm nhân đạo, khẩn cấp này giúp nhiều nông dân vượt qua cơn thắt ngặt. Tình người quá! Thích dùng thì mua nhiều, không thích cũng mua dù số lượng ít hơn. Không thích thì mua tặng người thân, láng giềng và vận động họ cùng mua. Thơm thảo quá!

Tuy nhiên, câu hỏi lớn và là nỗi lo lớn cũng được đặt ra là sau cuộc “giải cứu” chuối, dưa hấu rồi sẽ giải cứu đến loại nông sản nào đây? Vẫn chưa có câu trả lời bởi không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy đến trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc “trồng cứ trồng, còn tiêu thụ được hay không” lại là chuyện “hên, xui”.

Vấn đề đặt ra là vì sao có tình trạng này? Vì sao cái điệp khúc “trúng mùa- rớt giá” hay “Thất mùa- trúng giá” cứ tái diễn và thiệt hại luôn thuộc về nông dân một nắng hai sương. Vậy thì nông dân biết trồng gì? Ai bảo vệ quyền lợi người trồng trước tình trạng ép giá, thao túng thị trường của thương lái- nhất là thương lái người Trung Quốc.

Các ngành chức năng đang ở đâu, làm gì để bài học ép giá khoai lang, dưa hấu, chuối già, cá tra… và nhiều loại nông sản khác cứ diễn ra công khai và rồi chúng ta lại tự loay hoay “giải cứu” chúng ta? Có những cuộc “giải cứu” thành công như mong đợi; có cuộc giải quyết được một phần hàng tồn đọng; nhưng cũng có nhiều cuộc “giải cứu” hoàn toàn thất bại.

Cần lắm một cơ chế bảo hộ nông sản một cách bài bản, căn cơ, không bị đọng vì phải chạy theo “phong trào” không để người trồng cứ nươm nướp lo sợ mình sẽ là nạn nhân của những đợt “ giải cứu” trong tương lai.

VÂN ANH