Đôi điều về chuyện "cho" và "nhận" trong cuộc sống

Cập nhật, 15:37, Thứ Sáu, 07/04/2017 (GMT+7)

Như chúng ta biết, hành động “cho” và “nhận” là việc làm thường ngày trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Nó có thể hiểu nôm na như sau: “Cho” là đem cái mình có đưa tặng người khác mà không đổi lấy gì cả. Còn “nhận” là sự đón lấy, hưởng thụ về vật chất hoặc về tinh thần.

Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay cho thấy hành động “cho” và “nhận” của một số người đã có sự chênh lệch rất đáng kể. Phần lớn số người chỉ quan tâm đến việc “nhận” mà xao lãng đi việc “cho”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ chất lượng cuộc sống, cũng như sự phát triển của đất nước.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giữa việc “cho” và “nhận” trong cuộc sống, nhưng suy cho cùng nguyên nhân chính là do lối sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân của một số người mà nên. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt của bản thân mà bất chấp tất cả để mang lại lợi ích về cho mình và gia đình.

Trong cuộc sống, mỗi người đều có quan niệm khác nhau và dĩ nhiên ai quan tâm đến việc “cho” hay “nhận” là quyền của mỗi người.

Nhưng xét từ thực tế cho thấy, nếu trong cuộc sống chúng ta chỉ quan tâm và biết có “nhận” thì dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực như: môi trường bị ô nhiễm, chất lượng cuộc sống của con người,…

Điển hình như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở một số địa phương thời gian qua mà báo chí đã từng thông tin chẳng hạn. Đối với việc người chăn nuôi sử dụng chất cấm nhằm để kích thích sự tăng trưởng, tạo nạc và mục đích chính là để thu được nhiều lợi nhuận về cho bản thân và gia đình.

Ở trường hợp này, người chăn nuôi chỉ nghĩ đến việc “nhận”, tức hưởng thụ, thu được lợi nhuận cao. Còn hậu quả của việc làm đó thì dường như người chăn nuôi ấy không màng tới, cứ bán ra thị trường ai ăn thì ăn, miễn sao họ thu được lợi nhuận.

Như chúng ta biết, một khi ăn phải thịt có chứa chất tạo nạc sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng…

Từ thực tế cho thấy, hiện nay có không ít người chăn nuôi hay trồng trọt chỉ nghĩ đến duy nhất ở việc lợi nhuận.

Họ bất chấp tất cả miễn sao thu về được nhiều lợi nhuận. Thật đáng buồn khi nghe chính những người chăn nuôi hay trồng trọt thố lộ rằng “không dám ăn…” những sản phẩm mà chính tay họ làm ra. Và, như thế họ cứ tung ra thị trường bán mặc cho ai ăn thì ăn.

Tuy nhiên, họ có từng nghĩ là dù hôm nay họ không ăn sản phẩm mà họ làm ra (vì họ biết sản phẩm đó không tốt cho sức khỏe của họ), nhưng sau này liệu họ có thể không ăn sản phẩm tương tự như vậy mà của người khác làm ra chăng?

Cuộc sống chúng ta ngày càng văn minh, hiện đại, đòi hỏi mỗi người cần phải nêu cao tinh thần tự giác ý thức trước hành động của mình là hơn hết. Một cuộc sống tốt đẹp luôn luôn có sự hài hòa giữa việc “cho” và “nhận”.

Có điều chúng ta nên hiểu rằng: Trước cuộc sống hiện tại, hành động cho của chúng ta không chỉ đơn thuần có nghĩa là “cho” người khác, mà sâu xa hơn là “cho” xã hội, gia đình và cả chính bản thân mình.

Hãy sống sao cho có ý nghĩa đúng như quan niệm của nhà thơ Tố Hữu “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

NGUYỄN VĂN DÔ