Đừng để trẻ trở thành người "nghiện"

Cập nhật, 06:31, Thứ Năm, 30/03/2017 (GMT+7)

Xin nói ngay, từ “nghiện” ở đây ám chỉ đến các trường hợp trẻ em bị “nghiện” điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng đã và đang có xu hướng phát triển rầm rộ.

Mới đây có dịp đến nhà người bạn xưa cùng công tác ở ngành giáo dục. Bạn gọi đứa cháu nội trạc 7 tuổi ra chào hỏi thì đứa bé chẳng quan tâm gì đến tiếng kêu của ông bởi đang dán mắt vào chiếc máy tính bảng đầy trò chơi bạo lực.

Khi bạn dọa đánh đòn, cháu mới miễn cưỡng bước ra chào hỏi với thái độ giận dỗi, trên tay vẫn ôm chặt cái máy rồi ngoe nguẩy bước vào trong tiếp tục việc chơi “gem” (game) của mình. Bạn nói: Rầy mãi mà có được đâu bởi ba mẹ chúng cũng chẳng khác gì hơn. Sau một ngày làm việc lại lao vào những chiếc điện thoại di động thông minh đến nửa đêm.

Lần khác, một đồng nghiệp mang con theo cùng đến cơ quan bởi trường học của cháu đang có dịch bệnh truyền nhiễm.

Đứa trẻ học lớp 1 cứ khóc nhè không tài nào dỗ được chỉ đến khi mẹ nó mở cho xem các trò chơi trong chiếc điện thoại thì nó nín hẳn và hoạt náo hẳn lên. Mẹ nó nói: “… Cháu đã quen như thế rồi, biết làm sao hơn, dù biết đó là hành động giáo dục không nên làm, nếu không muốn nói là nguy hiểm…”

Thời buổi hiện đại, công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng đi kèm những thiết bị thông tin tiện ích đó là điều tất yếu nhưng việc sử dụng chúng như thế nào, sử dụng ở đâu, trong trường hợp nào đó mới là điều quan trọng và cần thiết.

Nhiều bậc phụ huynh còn mua sắm, trang bị cho con em những chiếc điện thoại đắt tiền để chúng khoe khoang, tự mãn với bạn bè trang lứa thì thật đáng lo ngại. Nhiều người còn đặt giải thưởng cho con em sau mỗi kỳ thi, mỗi đợt học tập căng thẳng bằng những chiếc điện thoại, máy tính các loại.

Nên chăng người lớn cũng cần là những tấm gương sử dụng điện thoại, máy tính có chọn lọc, có chừng mực, đúng lúc, đúng nơi để trẻ em làm theo.

Ai cũng hiểu, những thiết bị thông tin luôn là con dao 2 lưỡi với người sử dụng, và với trẻ con thì nó sẽ rất nguy hiểm khi người lớn không có biện pháp quản lý tốt dẫn đến trẻ con bị “mê hoặc” và hậu quả sẽ khôn lường.

Để trẻ em “nghiện”, trước tiên đó là trách nhiệm của người lớn vậy!

SONG ANH