Cần chấn chỉnh việc ca hát vui chơi, giải trí trong các đám tiệc

Cập nhật, 12:58, Thứ Sáu, 24/03/2017 (GMT+7)

Hiện nay, các đám tiệc như: đám hỏi, đám cưới, đám thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, đám giỗ, thậm chí đám tang người ta thường mời các ban ca nhạc tài tử, ban nhạc sống về vui chơi, giải trí.

Điều đó giúp vui nhà, vui cửa, vui xóm, vui làng vì văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội.

Các ban đờn ca tài tử thì rất lành mạnh, nhưng nhóm ca nhạc thì đa số hát những bản nhạc cũ được sáng tác từ thập niên 60 đến năm 1975, ít hát hoặc không có hát những bài kháng chiến và những bài được sáng tác sau năm 1975.

Trong những bài hát trước năm 1975 dưới chế độ Sài Gòn thì có bài được cho phép hát nhưng cũng có những bài mang nội dung không lành mạnh, phản động bị cấm sử dụng nhưng họ vẫn hát tràn lan trong các buổi tiệc, do các “ca sĩ phòng rượu” trình bày hết sức nhiệt tình mà trong cuộc vui, nhiều người hưởng ứng dù cho có ai đó bất bình cũng không muốn góp ý vì sợ mất vui, chủ nhà phiền, đành phải im lặng.

Những hành vi của những “ca sĩ phòng rượu” này không thể xử lý bằng biện pháp hành chính, càng không thể xử lý bằng pháp luật vì họ không phải làm rối trật tự trị an và cũng không vi phạm pháp luật; họ chỉ vi phạm hát nhạc cấm, nhưng hát trong buổi tiệc vui trong gia đình thì không ai có thể quản lý, kiểm soát được, chỉ có gia đình và những người dự tiệc biết thôi, nhưng đa số họ xem đó là chuyện bình thường không có gì quan trọng, “chỉ là ca hát vui chơi thôi mà!”

Cứ như thế, không ai nhắc nhở, phê bình và cũng không ai đứng ra để làm việc đó? Chỉ có chủ nhà hoặc người tổ chức buổi tiệc và bạn bè nếu ai có quan tâm đến thì nhắc nhở với nhau thôi.

Để giải quyết căn cơ hơn, thiết nghĩ các đoàn thể quần chúng, nhất là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nên có ý thức giáo dục đoàn viên, hội viên mình, lấy lực lượng thanh niên làm cốt… tẩy trừ các bản nhạc mang nội dung ca ngợi “lính Cộng hòa” hoặc có nội dung không lành mạnh, phản động, dù bản nhạc đó có “hay” (hay theo nghĩa có âm điệu ngọt ngào, dễ hát, chứ không phải về nội dung).

Tôi không nhớ nhiều và cũng không tìm hiểu sâu về nhạc trước năm 1975 dưới chế độ Sài Gòn, nhưng cũng có thể đơn cử một vài bài như bài:

“Đêm buồn tỉnh lẻ”, “24 giờ phép”, “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Chuyện giàn thiên lý”, “Tạ từ trong đêm”…v.v… là những bài hát nói về người lính với nhiều góc độ khác nhau một cách nhẹ nhàng. Riêng bài “Chuyến tàu hoàng hôn”có nội dung động viên, ca ngợi “người thanh niên đi lính” (ở lời 2) như các đoạn sau đây:

“Nhịp xe lướt nhanh dồn khúc vang quân hành ca. Nhắn em ơi đừng thương, chí trai anh ngàn phương…”, “người trai vì nước đi xây tình quê hương”… hoặc ở đoạn điệp khúc “Người ơi chí nam nhi đã gởi sa trường”,…

Thế mà hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các tụ điểm ca nhạc hát rùm beng lời 1 (vì lời 1 chưa thể hiện rõ nội dung bài hát).

Trong phạm vi bài viết này, tôi không đi sâu phân tích từng bài hát mà chỉ nêu một vài bài làm ví dụ để nói lên rằng: những bài hát như thế nó đã và đang đi vào tiềm thức của những người sống trong thời ấy và nó cũng ảnh hưởng đến thế hệ hôm nay, mặc dù đất nước ta đã được giải phóng, đã và đang xây dựng chế độ và nền văn hóa- văn nghệ xã hội chủ nghĩa hơn 40 năm qua, nhưng chưa thể “lập lại trật tự” trên lĩnh vực này.

Nó chỉ “tạm lắng” khi ta tấn công bài trừ và nếu có dịp- những sơ hở về mặt quản lý của ta- thì nó trỗi dậy chẳng những ở miền Nam mà cả ở miền Bắc cũng bị nhiễm, nhất là trong thế hệ trẻ.

Tình hình đó cho ta thấy “sức mạnh” của điệu nhạc Boléro Việt Nam, vì điệu nhạc, nội dung những bài hát có những bài đi vào lòng người, số phận, tâm tư con người mà ai cũng bắt gặp có tâm trạng mình trong đó (kể cả những bài phản động viết theo điệu Boléro). Nếu không được phân tích, không được giáo dục thì người ta có quan niệm nó chỉ là bài hát cũng như các bài hát khác mà thôi.

Trở lại vấn đề hát những bài hát không được phép hát mà hiện nay vẫn “vô tư” hát ở các “cuộc vui” như đám giỗ, đám hỏi, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng… kể cả trong “cuộc buồn” như đám tang…

Như trên tôi đã nói, chúng ta không thể xử lý bằng biện pháp hành chính và pháp luật đối với người hát khi nó diễn ra trong những buổi tiệc vui chơi mà phải bằng biện pháp tổng hợp vừa giáo dục ý thức chấp hành những quy định của các văn bản pháp quy, chỉ hát những bài được phép hát, lấy lực lượng thanh niên làm nòng cốt…

làm cho nó trở thành ý thức của mọi công dân, phê phán những hành vi sai trái đó trong các buổi họp tổ dân cư, sinh hoạt đoàn thể, chỉ có sức mạnh của quần chúng mới đẩy lùi được những tệ nạn, đồng thời tổ chức hát những bài có nội dung lành mạnh…

vừa có biện pháp xử lý hành chính sau đó đối với những người tổ chức buổi ca hát mà để có bài hát không lành mạnh, phản động (nói chung là những bài hát không được phép hát) theo đúng quy định để từng bước chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương.

Nếu ta làm ngơ hoặc quản lý lỏng lẻo, xem thường những hành vi nhỏ, “kỷ cương, phép nước không nghiêm” thì không thể nào khắc phục tình trạng trên được.

Vấn đề được đặt ra như thế, nhưng ai đứng ra làm việc này? Đó là câu hỏi đặt ra cần phải có lời giải đáp thiết thực đối với cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa- văn nghệ.

NGUYỄN THANH HÙNG