Bán hàng- đừng bên trọng bên khinh

Cập nhật, 16:04, Thứ Sáu, 03/03/2017 (GMT+7)

Ứng xử thô lỗ, cộc cằn, liếc háy khách hàng hay thái độ “trông mặt mà bắt hình dong” là chuyện nói hoài song cũng không thấy thay đổi nhiều trong văn hóa bán hàng giữa nhân viên và “thượng đế”.

Ở một số cửa hàng, thấy khách đến mua thay vì có thái độ tiếp đón niềm nở thì nhiều nhân viên bán hàng lại “soi” xem khách thuộc tầng lớp nào mà có thái độ tiếp đón khác nhau.

Nếu khách ăn mặc sang trọng thì tiếp đón nhẹ nhàng, luôn chiều theo ý khách. Còn khách ăn mặc xềnh xoàng, thì thái độ thay đổi 180 độ: dửng dưng, phớt lờ, thậm chí khinh khỉnh.

Một lần, sau khi dự tiệc cưới tôi ghé một shop mua quần áo. Tôi mặc đồ “bảnh bao” và chọn khá nhiều quần áo tương đối đắt tiền nên nhân viên theo tư vấn, chăm chút suốt. Nhưng một lúc sau, có 2 mẹ con ăn mặc bình thường bước vào thì không được nhân viên nào tiếp đón.

Trong khi người mẹ chọn vài mẫu áo “sale” để thử, cô con gái chừng 18 tuổi nhìn ngắm xuýt xoa rồi sờ chiếc áo đang được treo lên (tôi vừa mới thử nhưng không vừa ý) và rụt rè hỏi: “Em thử áo này được không chị?” Cô bán hàng nhìn em rồi cau có trả lời: “Đây là hàng cao cấp, gần 500.000 đồng lận, em quyết định mua thì lấy, chứ hàng xịn thử hoài nhăn áo, khó bán”.

Thấy tôi nhìn chăm chăm, cô nhân viên nhăn nhó miễn cưỡng lấy cho em ấy thử còn kèm theo “nhẹ nhẹ, coi chừng nhăn áo”. Sau khi thử thấy không vừa, em này trả lại thì cô nhân viên bực dọc nói: “Đã nói áo xịn, có tiền mua hãy thử”. Em tiu nghỉu, thoáng chút xấu hổ, khi nghe câu nói đó.

Bức xúc vì thái độ bán hàng như vậy nên tôi chỉ lấy một áo thay vì 2 bộ đã ưng ý. Khi về, tự hứa với lòng “không có lần sau” với shop này.

Thiết nghĩ, để nâng tính văn hóa ứng xử trong kinh doanh, đã đến lúc các “thượng đế” cần bày tỏ thái độ phản đối cách bán hàng phân biệt đối xử như vậy thay vì chỉ im lặng chịu thiệt. Đó cũng là cách để người bán hàng phải hiểu rằng, “thượng đế” bỏ tiền ra để nhận được sự hài lòng chứ không phải là thái độ coi thường.

THẢO NGUYÊN