GRDP bình quân đầu người có phải là thu nhập bình quân đầu người?

Cập nhật, 16:46, Thứ Ba, 04/08/2020 (GMT+7)

 

Sơ đồ mối quan hệ giữa GRDP và tổng thu nhập dân cư.
Sơ đồ mối quan hệ giữa GRDP và tổng thu nhập dân cư.

LTS: Trong bối cảnh đang tập trung hoàn thành đại hội đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2020- 2025; chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện đại hội các cấp và toàn quốc là công việc quan trọng, góp phần cho thành công bước đầu của đại hội và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ tới.

Trước đại hội, hầu hết đại biểu đã nghiêm túc, trách nhiệm đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện đại hội các cấp. Tuy nhiên, do chưa phân biệt được nên nhiều ý kiến còn băn khoăn khi so sánh số liệu chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người của toàn tỉnh với thu nhập bình quân đầu người của các huyện- thị- thành.

Thực tế, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (thường gọi là GRDP bình quân đầu người) và thu nhập bình quân đầu người là 2 chỉ tiêu hoàn toàn khác nhau về khái niệm, phương pháp tính, ý nghĩa và mục đích sử dụng. Xin giới thiệu bài viết của ông Bùi Thiện Mẫn- Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TP Vĩnh Long.

GRDP bình quân đầu người là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh giá trị mới của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm) tính bình quân cho một người dân; được tính bằng cách lấy tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chia cho dân số trung bình.

GRDP bình quân đầu người là chỉ tiêu quan trọng dùng để so sánh, đánh giá trình độ phát triển kinh tế và mức sống dân cư giữa các quốc gia hoặc giữa các vùng, các tỉnh- thành trong cả nước; là một trong những căn cứ để tính chỉ số phát triển con người (Human Development Index- HDI).

Thu nhập bình quân đầu người được tính bằng tổng thu nhập của hộ gia đình (tổng thu nhập dân cư) trong 1 năm chia cho số nhân khẩu của hộ.

Để tính được chỉ tiêu này, trước hết phải tính được tổng thu nhập của hộ dân cư. Thu nhập của hộ là toàn bộ số tiền và giá trị của hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Thu nhập của hộ bao gồm: (1) Thu từ tiền công, tiền lương; (2) Thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất và thuế sản xuất); (3) Thu từ sản xuất ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất và thuế sản xuất); (4) Thu khác được tính vào thu nhập như thu do biếu, mừng, lãi tiết kiệm,…

Thu nhập bình quân đầu người phản ánh kết quả thu nhập, mức sống và sự phân hóa giàu nghèo của các tầng lớp dân cư, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân; không sử dụng tính HDI.

Khác nhau về nội dung, phương pháp tính toán

Chủ yếu là do nội dung, phương pháp tính toán GRDP và tổng thu nhập dân cư. Các yếu tố của 2 chỉ tiêu này khác nhau ở chỗ giữa một bên là giá trị mới được sáng tạo ra trên lãnh thổ, không phân biệt quyền sở hữu hay quyền sử dụng (GRDP); một bên là thu nhập thuộc quyền sở hữu và sử dụng của dân cư sinh sống trên lãnh thổ, không phân biệt xuất xứ (tổng thu nhập dân cư).

Để biểu hiện mối quan hệ giữa GRDP và tổng thu nhập dân cư của tỉnh bằng mô hình, cần có một số giả định để đơn giản hóa vấn đề như sau:

- Thu của người lao động: Bao gồm:

+ Tiền công, tiền lương và các khoản tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của các khu vực kinh tế trong tỉnh đều do người lao động là cư dân trong tỉnh được hưởng toàn bộ (thực tế có chênh lệch giữa thu nhập của lao động là người trong tỉnh làm việc ngoài tỉnh gửi về và thu nhập của người ngoài tỉnh làm việc trong tỉnh gửi ra).

+ Thu nhập từ sản xuất kinh doanh (lợi nhuận) của các cơ sở kinh tế trên địa bàn thuộc sở hữu của cư dân trong tỉnh (trong hạch toán GRDP thuộc thặng dư).

- Thặng dư: Chỉ bao gồm thu nhập từ sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế trên địa bàn thuộc sở hữu của các nhà đầu tư không phải cư dân trong tỉnh và của các tổ chức khác (không phải hộ gia đình hoặc cá nhân các thành viên hộ gia đình).

- Thu nhập sở hữu: Toàn bộ thu nhập sở hữu thuần của các nhân tố vốn, tài sản; cho thuê, mướn quyền sử dụng, bản quyền sáng chế, nhãn mác,… do cư dân trong tỉnh được quyền sử dụng.

- Thu chuyển nhượng hiện hành: Toàn bộ chuyển nhượng hiện hành thuần đều làm tăng thu nhập của cư dân trong tỉnh với mục đích để chi tiêu dùng cuối cùng.

- Các khoản thuế, khấu hao tài sản cố định hiểu theo nội hàm tính GRDP.

Trong sơ đồ trên, hình elip bên trái thể hiện GRDP; hình elip bên phải thể hiện tổng thu nhập dân cư. Chúng chỉ có một phần chung duy nhất là thu của người lao động- phần giao của 2 elip. Được tính trong GRDP nhưng không tính trong tổng thu nhập dân cư là thuế sản xuất (thu của Nhà nước), khấu hao tài sản cố định (các đơn vị kinh tế tính vào chi phí để tái đầu tư) và thặng dư (với giả định trên là phần thu của doanh nghiệp, nhà đầu tư). Ngược lại, tổng thu nhập dân cư lại bao gồm cả phần thu nhập sở hữu và chuyển nhượng hiện hành không được tính vào GRDP.

Khác nhau trong quy định pháp lý và số liệu chỉ tiêu

Theo Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT ngày 10/1/2011 của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, trong hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh có chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người (mã số T0605) và thu nhập bình quân đầu người (mã số T1702); còn hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện không có 2 chỉ tiêu này. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ban hành kèm theo Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg ngày 19/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ thay thế Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT bớt chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; chỉ còn chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người (mã số T0505). Tuy không có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện nhưng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 1457-CV/TU ngày 10/3/2015 thì nghị quyết nhiệm kỳ 2015- 2020 của đảng bộ các huyện- thị- thành có chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người.

Theo Niên giám thống kê tỉnh Vĩnh Long năm 2019, cả 2 chỉ tiêu này được công bố hoàn toàn khác nhau: GRDP bình quân đầu người theo biểu 45, trang 111; còn thu nhập bình quân đầu người theo biểu 262, trang 547. Sơ bộ năm 2019, GRDP bình quân đầu người của tỉnh là 52,306 triệu đồng; còn thu nhập bình quân đầu người của tỉnh là 39,948 triệu đồng (tính cho cả năm), chỉ bằng 76,37% GRDP bình quân đầu người. Dãy số liệu 2015- 2019 trong ấn phẩm này, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 69,91%- 76,94% GRDP bình quân đầu người; cao nhất 76,94% (năm 2018).

Như vậy, GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là 2 chỉ tiêu hoàn toàn khác nhau; thu nhập bình quân đầu người luôn thấp hơn GRDP bình quân đầu người. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân không phải băn khoăn về số liệu chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người của các huyện- thị- thành thấp hơn GRDP bình quân đầu người của toàn tỉnh.