Báo động hiện tượng giả mạo thương binh

Cập nhật, 06:04, Thứ Ba, 11/12/2018 (GMT+7)

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với nước thông qua nhiều chủ trương, chính sách rất nhân văn. Đây còn là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta theo phương châm “Ăn trái nhớ người trồng cây”. 

Hồ sơ công nhận thương binh giả mạo tại tỉnh Nghệ An vừa bị công an phát hiện. Ảnh: Internet
Hồ sơ công nhận thương binh giả mạo tại tỉnh Nghệ An vừa bị công an phát hiện. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều trường hợp lợi dụng chính sách này để trục lợi bất chính thông qua việc làm hồ sơ thương binh giả mạo để hưởng chính sách, rất đáng lo ngại và cần có biện pháp ngăn chận kịp thời.

Mới đây, lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: qua rà soát tại 21 huyện- thị- thành ở Nghệ An đã phát hiện 569 trường hợp thương binh hưởng không đúng chế độ.

Các trường hợp này được xác định là khai man, giả mạo giấy tờ thương binh. Đây chỉ là số thương binh giả được phát hiện trong năm 2018.

Trước đó, tại Nghệ An cũng đã phát hiện hơn 800 trường hợp tương tự khác. Tính ra mỗi người đã nhận từ 120 triệu đồng đến 200 triệu đồng trong hơn 10 năm qua.

Đáng lo ngại là việc thu hồi số tiền bất hợp pháp trên (118 tỷ) đang gặp nhiều khó khăn, bởi đa phần người vi phạm là lao động nghèo, cao tuổi, có người đã qua đời.

Vấn đề đặt ra là vì sao lại có quá nhiều hồ sơ thương binh giả mạo đến vậy? Phải chăng việc kiểm định tính chính xác, hợp pháp của từng hồ sơ của cơ quan chức năng quá dễ dãi, lơ là, mất cảnh giác để bọn bất lương ra tay hành động để qua mặt các cơ quan công quyền?

Nhìn từ góc độ khác, nhiều người vì lòng tham nên đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua các bộ hồ sơ giả mạo để được hưởng chế độ thương binh trong thời gian dài mới bị phát hiện.

Cạnh đó, dư luận cũng đặt câu hỏi liệu có một sự thông đồng từ bọn cung cấp hồ sơ giả với các cán bộ làm công tác thẩm định để các hồ sơ “ma” này có thể công khai hưởng chế độ hợp pháp?

Trong khi tại một số địa phương, việc giải quyết chính sách cho thương binh thực sự đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhiều người chưa được hưởng chính sách của Nhà nước theo quy định thì lại có nhiều người “ngồi mát ăn bát vàng” theo chủ trương, chính sách dành cho thương binh bằng các hồ sơ giả mạo.

Thiết nghĩ, các địa phương cần có một cuộc tổng rà soát tính chính xác, trung thực các hồ sơ thương binh đã và đang hưởng chế độ; cẩn trọng trong quy trình xem xét, đề nghị của các hồ sơ tiếp nhận; xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức làm hồ sơ giả mạo lẫn người mua, sử dụng các hồ sơ này để trục lợi bất chính.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xem xét, công nhận các trường hợp đủ yếu tố để những thương binh chân chính sớm được hưởng quyền lợi chính đáng của mình.

PHƯƠNG ANH