Cần nhiều sân chơi cho người khuyết tật

Cập nhật, 05:43, Thứ Năm, 02/08/2018 (GMT+7)

Do hoạt động bên công tác từ thiện (bản thân tôi khuyết tật nhẹ), tiếp xúc với người khuyết tật (NKT) nhiều nơi nên tôi rất cảm thông, chia sẻ cũng như luôn lắng nghe nỗi lòng của họ. Bao giờ trò chuyện với NKT, tôi cũng nán lại lâu hơn dù thời gian bận rộn.

Không phải mình già chuyện mà họ có nhiều tâm tư quá, cứ một câu hỏi như giọt nước là họ trải lòng ra cả đại dương.

Có lần nói chuyện với một NKT ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), anh nói rất thích đi du lịch, thích khám phá những vẻ đẹp mang đậm bản sắc vùng miền trên khắp nước Việt Nam nhưng không có điều kiện. Điều kiện ở đây chuyện đi lại, ăn ở.

Anh nói, có lần đi du lịch cùng một cơ quan nọ (anh là cộng tác viên cho vài tờ báo), dù anh đã thông báo với công ty du lịch, nhờ liên hệ với khách sạn về vấn đề xe lăn nhưng họ vẫn không chuẩn bị chu đáo. Rốt cuộc, chuyến đi đó “hành xác” một thanh niên vì 3 ngày đi chơi cậu ta phải cõng anh trên lưng.

Cũng có lần, tiếp xúc với cậu bé 17 tuổi rất mê nghệ thuật. Cậu trải lòng rằng: “Em rất thích tham gia các cuộc thi ca hát, diễn xuất... trên truyền hình nhưng em sợ bản thân mình làm cản trở nhà đài vì khuyết tật” (cậu nói như muốn khóc).

Trên các trang fanpage facebook dành cho NKT, nếu chịu khó lướt qua xem các bình luận, mọi người sẽ thấy không riêng gì cậu trai 17 tuổi này mà còn rất nhiều bạn mong muốn “cháy” hết mình với đam mê nghệ thuật nhưng rất khó mà chạm đến.

Thực tế cho thấy, hiện nay trên sóng truyền hình có rất nhiều chương trình talk-show, game-show, các cuộc thi văn hóa nghệ thuật... dành cho người bình thường đủ mọi tầng lớp nhưng chưa dành riêng cho NKT đúng nghĩa.

Nếu NKT có tham gia cũng chỉ là những chương trình gộp chung với người bình thường, thành ra điều đó khiến họ cảm thấy mặc cảm hơn. Mặc dù sau các chương trình dành cho người bình thường, nghệ sĩ thường dành những số tiền thưởng để ủng hộ cho NKT để NKT có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, đôi khi tiền chưa hẳn đã làm họ sống vui, sống khỏe.

Thiết nghĩ, các nhà đài nên có những game-show, cuộc thi dành riêng cho NKT tham gia vui chơi. Hay những chương trình talk-show giới thiệu những nhân vật khuyết tật thành công, vượt khó, sống đẹp... trải lòng mình trên sóng truyền hình.

Dù biết rằng việc thực hiện những chương trình như thế vất vả hơn, khó khăn hơn, nhưng nếu báo đài quan tâm đến đối tượng này thì chắc chắn các Mạnh thường quân, doanh nghiệp hảo tâm sẽ ra sức tài trợ.

Việc thực hiện những sân chơi cho NKT không những thể hiện tính nhân văn sâu sắc mà qua đó giúp họ hòa nhập với cộng đồng, loại bỏ những mặc cảm, sống bi quan khi khiếm khuyết cơ thể.

NGUYỄN HOÀNG DUY