Cần quy định giờ đậu xe trên đường Đinh Tiên Hoàng

Cập nhật, 17:08, Thứ Sáu, 27/07/2018 (GMT+7)

 

Xe tải lớn chở sắt thép và nguyên liệu đậu song song 2 bên đường buộc ô tô khách phải lấn làn xe ngược chiều và chèn ép xe 2 bánh.
Xe tải lớn chở sắt thép và nguyên liệu đậu song song 2 bên đường buộc ô tô khách phải lấn làn xe ngược chiều và chèn ép xe 2 bánh.

Hiện tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (Phường 8- TP Vĩnh Long) có nhiều công ty, doanh nghiệp và hộ kinh doanh mua bán, sản xuất. Vì vậy, nhu cầu phương tiện xe tải đậu, dừng lên xuống hàng hóa là chính đáng.

Tuy nhiên, cùng lúc nhiều phương tiện đậu 2 bên đường trong giờ cao điểm gây cản trở giao thông và mất an toàn giao thông.

Nhiều người tham gia giao thông và người dân sinh sống trên đường Đinh Tiên Hoàng bức xúc phản ánh: Vào mỗi buổi sáng trên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn cách bến xe khoảng 50m đến cây xăng Tỉnh đội, dài khoảng hơn 100m có khoảng 10 xe tải lớn và xe sơmi rơ- mooc đầu kéo chở sắt thép, nguyên liệu… đậu 2 bên đường gây cản trở giao thông.

Đường không rộng, nhưng xe tải lớn đậu 2 bên, mỗi khi có ô tô khách, xe tải lớn lưu thông qua lại buộc phải chạy lấn làn, chèn ép xe 2 bánh, vô cùng nguy hiểm.

Đường Đinh Tiên Hoàng chỉ đạt đường cấp 3 đồng bằng, là đường 2 chiều, mỗi chiều có một làn xe thô sơ và một làn xe cơ giới. Giữa tim đường có vạch dọc liền dùng để phân chia đường thành 2 chiều (đi và về).

Vạch dọc liền để cấm các loại xe cộ (cơ giới và thô sơ) không được vượt quá hoặc đè lên vạch đó. Do xe tải lớn đậu 2 bên (chiều đi và về), chiếm hết làn đường dành cho xe thô sơ và một phần làn xe cơ giới, nên khi ô tô qua lại đoạn này phải lưu thông lấn qua làn đường ngược chiều (đè vạch).

Vì vậy, người điều khiển mô tô, xe máy và thô sơ cũng phải lưu thông trên làn xe cơ giới và thường bị ô tô chèn ép (cả 2 chiều) vô cùng nguy hiểm. Trong khi buổi sáng có nhiều người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, do nhu cầu đi làm, đưa con đi học…

Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về dừng, đỗ xe như sau:

Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Mặt khác, khi dừng xe thì người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ quy định tại khoản 3, 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ như sau:

- Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.

- Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.

Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.

- Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

- Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

- Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái.

- Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

- Bên trái đường một chiều.

- Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất.

- Trên cầu, gầm cầu vượt.

- Song song với một xe khác đang dừng, đỗ.

- Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường.

- Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau.

- Nơi dừng của xe buýt.

- Trước cổng và trong phạm vi 5m 2 bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.

- Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe.

- Trong phạm vi an toàn của đường sắt.

- Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông còn phải tuân thủ quy định tại Điều 19 Luật Giao thông đường bộ khi dừng, đỗ xe trên đường bộ như sau:

- Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m.

- Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.

Do việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhu cầu lên xuống hàng hóa là chính đáng. Tuy nhiên, doanh nghiệp, người vận chuyển hàng hóa cần chú ý nơi dừng, đỗ không cản trở giao thông. Cần chú ý: Không đỗ xe song song với một xe khác đang dừng, đỗ. Đỗ xe ở vị trí cách ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m.

Thiết nghĩ, những công ty, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn cần đầu tư bãi lên xuống hàng hóa riêng. Đối với cơ quan chức năng, cần quy định giờ đậu đỗ lên xuống hàng hóa đối với ô tô tải trên tuyến đường này; có thể quy định tránh giờ cao điểm như từ 6 giờ đến 8 giờ sáng và chiều từ 16 giờ đến 18 giờ 30, để giữ trật tự an toàn giao thông.

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN