Nhà mạng đừng làm khó khách hàng!

Cập nhật, 05:30, Thứ Năm, 12/04/2018 (GMT+7)

Theo Nghị định 49 năm 2017 của Chính phủ thì từ ngày 24/4/2018, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao.

Nếu quá hạn quy định mà chủ thuê bao không thực hiện, doanh nghiệp có quyền khóa một chiều sau 15 ngày gửi tin nhắn và khóa hai chiều sau 15 ngày tiếp theo.

Đây là quy định nhằm quản lý thuê bao di động chặt chẽ hơn tránh tình trạng SIM rác và giúp bảo vệ thông tin của khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, đa số khách hàng tỏ ra không đồng tình.

Trên nhiều diễn đàn báo mạng, mạng xã hội, không ít bình luận cho rằng đây là quy định thừa. Vì trước đây đi đăng ký thuê bao, khách hàng đã cung cấp giấy chứng minh cho nhà mạng.

Mà trong chứng minh, đã có đủ thông tin, đặc biệt là hình ảnh. Vậy thì giờ đây, với quy định mới, việc thêm ảnh khách hàng nhằm mục đích gì?

Một lần đăng ký là một lần khổ. Khách hàng phải bỏ công ăn việc làm để đến cửa hàng nhà mạng chờ chực, rất mất thời gian, gây phiền phức.

Dù các doanh nghiệp mạng di động tạo điều kiện cho người bận rộn, tuổi cao, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn đăng ký qua ứng dụng di động nhưng khách hàng vẫn hoang mang.

Biết đâu chỉ vì thật thà cung cấp hình ảnh, giấy chứng minh qua ứng dụng, rồi vì lý do lỗ hổng an ninh mạng, thông tin cá nhân bị lộ ra ngoài. Rõ ràng nhà mạng đã làm khó khách hàng một cách thái quá, bởi ngay cả việc đăng ký sở hữu ôtô, nhà đất rất chi là quan trọng cũng không yêu cầu phải nộp ảnh.

Trước đây, khi bắt buộc khách hàng đi đăng ký thuê bao, chính nhà mạng cũng hứa rằng việc đăng ký là để quản lý thuê bao chặt chẽ, tránh tình trạng SIM rác, giúp bảo vệ thuê bao nhưng SIM rác và tin nhắn rác vẫn cứ tràn lan.

Mà đau đầu ở chỗ chính nhà mạng là nguồn cơn xả rác tin nhắn nhiều nhất (nếu không bị làm phiền buộc phải soạn tin từ nhà mạng để chặn, tốn phí).

Mỗi ngày dễ chừng 10 tin nhắn từ tổng đài chào mời dùng gói nghe, gọi, nhạc chờ, chăm sóc sức khỏe, tư vấn hôn nhân gia đình, tải game,...

Đó là chưa nói, dù luôn nói rằng bảo vệ thuê bao nhưng hiện nay, rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi từ ngân hàng, nhà đất, bảo hiểm làm phiền khách hàng.

Toàn là những số đã mặc định tên khi nhắn tin đến thuê bao, chẳng hạn “BAO_TAM_AN, VPBANK, KDCOCB”.

Theo như nhân viên tổng đài nhà mạng V. cho biết, đối với những công ty, đơn vị, họ cài đặt ứng dụng có liên kết với nhà mạng nên khi nhắn tin sẽ tự động hiển thị tên.

Vậy ai vào đây bán thông tin khách hàng cho những công ty đó? Chưa bao giờ nhà mạng có một lời giải đáp thỏa đáng và tình trạng này đang cứ diễn ra tràn lan, mạnh hơn.

Như thế thì làm sao khách hàng tin tưởng giao tất cả thông tin, kể cả hình ảnh mới nhất của mình cho nhà mạng? Biết đâu một ngày nào đó, tự dưng bức chân dung của khác hàng trong diện mạo đó từng cung cấp cho nhà mạng xuất hiện trên mạng thì khách hàng biết kiện ai?

Khách hàng là thượng đế, nhưng trong trường hợp này thì thượng đế bị hành, bị dồn vào thế kẹt, thế bị động, không được chút quyền lợi gì.

Bởi nếu phản đối bằng việc không cung cấp hình ảnh thì nhà mạng sẽ cắt số thuê bao, không thể liên lạc được nữa.

Kinh doanh thời kinh tế thị trường cần có tính cầu thị, biết lắng nghe, góp ý từ khách hàng để từ đó cho ra đời những dịch vụ tốt nhất, góp phần xây dựng nhà mạng thêm phồn thịnh.

Tất nhiên việc quy định cung cấp thêm hình ảnh sẽ rất khó khăn đối với khách hàng, nhưng nếu nhà mạng chắc chắn ngăn chặn tình trạng SIM rác, tin nhắn rác và bảo mật thông tin thì khách hàng vẫn cố gắng tuân thủ. Nhưng nếu đi ngược lại, nhà mạng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nhé!

ĐẶNG TRUNG THÀNH