Đề nghị điều chỉnh giá thuê mặt bằng tại chợ Giáo Mẹo cho phù hợp

Cập nhật, 05:30, Thứ Năm, 12/04/2018 (GMT+7)

Đăng ký kinh doanh trong phần chợ được doanh nghiệp đầu tư chưa lâu, hàng chục tiểu thương tại chợ Giáo Mẹo (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) lâm vào tình cảnh buôn bán ế ẩm. Nhiều tiểu thương bức xúc vì phần chợ xã hội hóa chưa đáp ứng điều kiện buôn bán nhưng họ phải chịu phí mặt bằng khá cao.

Buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương dọn hàng từ khá sớm, khu vực nhà lồng chợ chỉ có một vài hộ bán cầm chừng.
Buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương dọn hàng từ khá sớm, khu vực nhà lồng chợ chỉ có một vài hộ bán cầm chừng.

Bán cầm chừng, bỏ không ki-ốt

Những tưởng có nơi kinh doanh cố định sẽ không phải lo “buôn gánh bán bưng”, song, từ khi đăng ký lô vào buôn bán tại chợ Giáo Mẹo (phần chợ do doanh nghiệp đầu tư) hồi đầu năm 2018 đến nay, nhiều tiểu thương đối mặt với không ít khó khăn, bởi hầu hết các gian hàng đều buôn bán ế ẩm.

Một số tiểu thương bán cầm chừng, nhiều hộ không trụ nổi, chấp nhận đóng cửa bỏ không ki-ốt hoặc trả lại mặt bằng cho chủ đầu tư.

Trong đơn gửi Báo Vĩnh Long, các tiểu thương kinh doanh trong phần chợ do doanh nghiệp đầu tư bức xúc bởi tiền thuê mặt bằng hàng tháng khá cao so với điều kiện thực tế tại chợ- buôn bán ế ẩm, các ki-ốt xây dựng sơ sài, khu vực kinh doanh các mặt hàng ăn, uống không có hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh nhếch nhác.

Theo ghi nhận, tầm 10 giờ sáng, khu chợ Giáo Mẹo dần vắng người qua lại, chỉ còn những tiểu thương trò chuyện với nhau. Vắng khách, chúng tôi dễ bắt chuyện với họ hơn.

“Lúc trước bán ngoài kia được lắm, mà mỗi tháng chỉ đóng có 150.000đ. Rồi dời vô đây (phần chợ doanh nghiệp đầu tư- PV) đóng tới 1 triệu đồng/tháng nhưng bán ế lắm, cũng vì mưu sinh nên ráng cầm cự”- vừa nói xong, chị T.- tiểu thương bán thức ăn, dọn hàng về nhà.

Trong khi đó, cô H.- tiểu thương bán thịt- cho biết cô bán ở chợ truyền thống từ năm 2008 đến nay cũng chỉ đóng có 150.000 đ/tháng.

“Do diện tích không đủ nên tôi đăng ký thêm lô 36m2 (phần chợ doanh nghiệp đầu tư- PV) tới 1 triệu đồng/tháng, nhưng ki-ốt xây sơ sài quá, tôi phải tự bỏ tiền làm vách, gắn thêm cửa để bảo quản đồ đạc. Phải chịu thôi, không bán đây thì bán ở đâu bây giờ”- cô H. trầm ngâm.

Các tiểu thương cho biết đa phần họ là các hộ mua bán nhỏ lẻ, hơn nữa bán ở chợ xã nên chủ yếu chỉ họp chợ vào buổi sáng, lợi nhuận không lớn. Vì thế, việc chủ đầu tư thu tiền thuê mặt bằng cao trở thành gánh nặng đối với bà con.

Mặc dù sau đó, chủ đầu tư chợ đã giảm giá thuê mặt bằng, nhưng các tiểu thương cho rằng mức giá đã giảm vẫn còn cao, không phù hợp với điều kiện buôn bán thực tế tại chợ.

“Chợ này từ trước giờ do xã quản lý, giờ không biết sao giao cho tư nhân. Đồng ý chuyện họ bỏ tiền đầu tư phải thu lại chi phí, nhưng bà con bán chưa ổn định mà thu giá cao vậy là không hợp lý”- một tiểu thương bức xúc.

Sẽ điều chỉnh mức giá phù hợp tình hình mua bán

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề bức xúc của tiểu thương, UBND xã Đông Thạnh cho biết, chợ Giáo Mẹo hoạt động từ năm 2008, xuất phát là chợ truyền thống nên có nhiều hộ buôn bán theo hình thức tự sản tự tiêu.

Vì vậy, nhằm sắp xếp lại chợ văn minh, đồng thời tạo điều kiện cho các tiểu thương có nơi buôn bán ổn định, nhưng địa phương gặp khó khăn về kinh phí nên đã kêu gọi xã hội hóa.

Sau đó, chợ Giáo Mẹo được DNTN Thanh Hoàng Bình Minh (ấp Thuận Tiến A, xã Thuận An- TX Bình Minh) đăng ký làm chủ đầu tư.

Sau khi phần chợ trên được xây dựng, chính quyền địa phương ra thông báo, kêu gọi các tiểu thương đăng ký lô để kinh doanh, qua hình thức thỏa thuận bằng hợp đồng với chủ đầu tư.

“Đối chiếu giá thuê, chợ Giáo Mẹo thuộc chợ hạng 3 nên có giá thuê 35.000 đ/m2/tháng (đối với khu vực chợ do doanh nghiệp đầu tư). Vì vậy, giá mà doanh nghiệp đưa ra là đúng quy định.

Còn những vấn đề tiểu thương bức xúc hiện nay, chúng tôi sẽ ghi nhận để cùng doanh nghiệp giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên”- ông Nguyễn Minh Giang- Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh- khẳng định giá thuê mặt bằng tại chợ Giáo Mẹo thực hiện đúng theo Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh- về ban hành quy định giá của các loại dịch vụ được chuyển từ phí sang cơ chế giá theo quy định tại Luật phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh.

Về phía đơn vị đầu tư, ông Trần Thanh Hoàng- chủ DNTN Thanh Hoàng Bình Minh- thừa nhận, doanh nghiệp chỉ mới đầu tư vào chợ Giáo Mẹo trong thời gian ngắn nên chưa thể hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng trong khu chợ này.

Còn việc cho thuê mặt bằng kinh doanh, giữa doanh nghiệp và tiểu thương đều có thỏa thuận bằng hợp đồng hẳn hoi. Mức giá cho thuê mặt bằng mà doanh nghiệp đã thu không vượt quy định và đã được chính quyền địa phương thông qua.

Ông Trần Thanh Hoàng cho biết thêm, thời điểm cận Tết Nguyên đán 2018, tình hình buôn bán tại chợ diễn ra khá sung túc, nhưng từ lúc thi công cầu Phù Ly thì sức mua giảm, chợ cũng dần vắng khách.

“Vấn đề này chúng tôi không lường trước được, nhưng sẽ xem xét lại để điều chỉnh mức giá phù hợp tình hình mua bán tại chợ, thậm chí ngừng thu phí cho đến khi cầu Phù Ly xây xong.

Còn về cơ sở hạ tầng khu chợ, chúng tôi cần có thời gian để hoàn thiện”- ông Trần Thanh Hoàng nói. Đồng thời, khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng giải quyết khó khăn cho tiểu thương, nếu bà con kiến nghị kịp thời, tránh việc bức xúc kéo dài.

Thiết nghĩ, từ những kiến nghị của tiểu thương tại chợ Giáo Mẹo, UBND xã Đông Thạnh và chủ đầu tư cần xem xét lại để điều chỉnh mức giá phù hợp tình hình mua bán tại chợ giúp cho bà con tiểu thương an tâm mua bán trong thời gian tới.

UBND xã Đông Thạnh cho biết, phần chợ được doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại chợ Giáo Mẹo được đưa vào hoạt động từ năm 2018. Theo đó, khu vực bên trong nhà lồng chợ có 16 lô (20 m2/lô)- dành cho những hộ kinh doanh đồ khô và khu vực bên ngoài gồm 20 lô (36 m2/lô)- dành cho những hộ kinh doanh ăn, uống. Bên cạnh đó, khu vực chợ truyền thống còn khoảng vài chục hộ mua bán, thời gian tới cũng sẽ giao cho doanh nghiệp đầu tư, quản lý.

Bài, ảnh: PHẠM TẤN