Vấn đề bạn đọc quan tâm

Vứt xác vật nuôi ra môi trường sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng

Cập nhật, 09:36, Thứ Ba, 16/05/2017 (GMT+7)

Thời gian qua, vẫn còn tình trạng người dân vứt xác gia súc, gia cầm xuống sông rạch, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm. Sắp tới đây, hành vi này sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng.

Heo chết thả trên sông gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Heo chết thả trên sông gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Việc người dân thiếu ý thức vứt xác vật nuôi bừa bãi được cho là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.

Nhất là ở vùng nông thôn, khi những vật nuôi như heo, gà,… không may bị chết, bà con thường không chôn lấp hoặc tiêu hủy mà cho vào bao tải thả trôi sông, thiếu ý thức hơn thì vứt bừa bãi ra môi trường sống. Từ đó, xác vật nuôi thối rữa và bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân.

Việc vứt xác vật nuôi bừa bãi không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh vì hầu hết vật nuôi chết do nhiễm bệnh.

Thực trạng này đòi hỏi chính quyền địa phương cần quan tâm giải quyết, vận động người dân chôn lấp xác vật nuôi đúng quy định và nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm. Ngoài việc vận động của chính quyền địa phương, thì ý thức của người dân vẫn quan trọng hơn hết.

Cô Trần Thị Lý (xã An Bình- Long Hồ) cho biết: “Mỗi khi gà, vịt chết, tôi đều đem chôn trong vườn chứ không quăng xuống sông, để góp phần bảo vệ môi trường, nhất là những hộ không có cây nước có thể xài nước sông”.

Trái lại, nếu người dân không ý thức được hành vi của mình thì chính họ sẽ phải gánh chịu hậu quả. Đơn cử như tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại dòng sông nối liền 2 ấp Vĩnh Thành- Gia Kiết (thuộc huyện Trà Ôn) mà Báo Vĩnh Long từng phản ánh vào tháng 3/2017. Một phần nguyên nhân gây ô nhiễm là do xác chết súc vật bị vứt xuống lòng sông, thối rữa, bốc mùi hôi thối, khiến nguồn nước ô nhiễm, người dân không thể sử dụng trong nhiều tháng liền.

Qua phản ánh, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã tiến hành dọn lòng sông, cải thiện phần nào tình trạng ô nhiễm tại đây.

Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm cũng như phòng ngừa dịch bệnh, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, rất cần ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ môi trường, qua việc chôn lấp, tiêu hủy xác vật nuôi đúng quy định.

Bên cạnh đó, chính quyền cần mạnh tay xử lý nghiêm những trường hợp vứt xác động vật ra môi trường, góp phần hạn chế tình trạng vô ý thức của một bộ phận người dân hiện nay.

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2017/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Theo đó, từ ngày 20/5/2017, sẽ phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng đối với hành vi vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường.

 

  • ™Bài, ảnh: PHẠM PHONG