Qua thư bạn đọc

Nếu có nhu cầu, cần sớm thống nhất địa điểm để bắc cầu

Cập nhật, 05:41, Thứ Ba, 21/02/2017 (GMT+7)

Gửi đơn đến Tòa soạn Báo Vĩnh Long, một số hộ dân ngụ ấp Hòa Mỹ 2, xã Mỹ An (Mang Thít) mong muốn được bắc cầu kiên cố qua bờ vùng xã Nhơn Phú để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Lượng bên chiếc cầu xây dang dở.
Ông Nguyễn Văn Lượng bên chiếc cầu xây dang dở.

Theo ông Nguyễn Văn Lượng- đại diện các hộ dân ngụ ấp Hòa Mỹ 2, từ khi kinh thủy lợi nội đồng giáp ranh giữa xã Mỹ An và xã Nhơn Phú (Mang Thít) được hình thành đã phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con.

Tuy nhiên, để máy nông nghiệp có thể sang cánh đồng xã Mỹ An và vận chuyển lúa khi thu hoạch, các hộ dân phải bắc tạm cầu qua bờ vùng xã Nhơn Phú do đây là lối đi duy nhất.

Sau nhiều năm, cầu bị gãy nên các hộ tự góp tiền xây lại cầu bê tông kiên cố (rộng 2,5m; dài 7,5m) để sử dụng lâu dài. Sau khi họp dân và được chính quyền địa phương thông qua, các hộ dân tiến hành bắc cầu. Nhưng khi vừa bắc được một nhịp bê tông thì gia đình bà Nguyễn Thị Toàn (ngụ ấp Phú Thuận A, xã Nhơn Phú) ngăn cản.

Do lối đi chưa hoàn thiện nên việc vận chuyển máy móc nông nghiệp vào ruộng vô cùng khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất lúa của các hộ dân xã Mỹ An.

Sau vụ vừa rồi, ông Nguyễn Văn Phát than: “Máy cày không vào ruộng được, bà con phải xới tay. Vào mùa thu hoạch, máy cắt tới được ruộng thì lúa đã đổ ngã, chín mộng.

Chúng tôi còn phải thuê người cắt rồi vận chuyển lúa về nhà, vừa tốn nhiều chi phí mà năng suất lúa lại thất thoát. Bà con đều mong bắc được cây cầu để vận chuyển máy móc, lúa thóc dễ dàng”.

Tiếp lời, ông Huỳnh Văn Le nói: “Nếu không có cầu kiên cố để vận chuyển máy cắt vào ruộng, vụ tới chúng tôi phải tiếp tục mướn nhân công, vừa mất thời gian lại tốn thêm chi phí, còn lúa cắt tay thì thương lái chê dơ, ướt nên không mua”.

Theo các hộ dân trên, cầu xây qua bờ vùng xã Nhơn Phú có từ khi bờ vùng này hình thành và là lối đi duy nhất dẫn vào cánh đồng xã Mỹ An.

“Do không có đường vận chuyển, chúng tôi mới bắc cầu và chỉ xây phần móng trên bờ vùng do xã Nhơn Phú quản lý. Nếu phải bắc cầu ở chỗ khác thì chúng tôi không có khả năng lo kinh phí”- ông Nguyễn Văn Lượng cho biết.

Do không thống nhất được địa điểm bắc cầu nên vụ việc này dù được chính quyền địa phương hai xã vận động hòa giải nhiều lần nhưng đều không có kết quả.

Theo các biên bản vận động hòa giải, bà Nguyễn Thị Toàn cho rằng phần móng cầu bắc ngay giữa đất của mình nên không đồng ý cho các hộ bắc cầu kiên cố, chỉ được bắc tạm như trước đây. Trong khi các hộ dân xã Mỹ An muốn bắc cầu kiên cố để phục vụ lâu dài vì theo họ đây là lối đi duy nhất dẫn vào ruộng.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tấn Tài (ngụ ấp Chợ, xã Mỹ An), hiện nay vẫn có lối đi vào ruộng mà không cần phải sang bờ vùng xã Nhơn Phú.

“Tôi cũng có một phần diện tích thuộc cánh đồng ở ấp Hòa Mỹ 2. Phần đất này nằm ngay đường ra vô ruộng nên trước giờ các loại máy nông nghiệp đều qua lại phần đất của tôi, không có chuyện tất cả bà con ở đây gặp khó khăn về lối đi. Nếu ai có nhu cầu thì cứ nói với tôi một tiếng, tôi sẵn sàng cho đi”.

Ông Võ Thành Tú- Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú cho biết: Phần đất tại vị trí các hộ dân muốn xây cầu qua xã Nhơn Phú thuộc quyền sử dụng của bà Nguyễn Thị Toàn, được trưng dụng làm bờ vùng để phục vụ việc đi lại của người dân.

Bà Toàn vẫn đồng ý cho các hộ xã Mỹ An bắc cầu ở 2 đầu ranh đất, nhưng họ lại không thống nhất với phương án này. “Nếu các hộ dân xã Mỹ An đồng ý bắc cầu tại đầu ranh đất bà Toàn thì Đoàn thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết sẽ sẵn sàng vận động kinh phí để hỗ trợ người dân”- ông Võ Thành Tú cho biết thêm.

Tuy nhiên, quan điểm của một số hộ dân xã Mỹ An vẫn muốn bắc cầu tại địa điểm cũ. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cùng người dân cần xem xét lại, nếu thật sự cần thiết thì nên sớm thống nhất địa điểm bắc cầu trên tinh thần tình làng nghĩa xóm, để phục vụ việc vận chuyển cho những hộ dân có nhu cầu.

Bài, ảnh: PHẠM PHONG